01/06/2023 09:49:36
Quy hoạch tỉnh, "Cú hích" phát triển cho Hà Tĩnh

Ngày 08/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thay mặt Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định số 1363/QĐ- TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là “cú hích” cần thiết để phát triển Hà Tĩnh trong những năm tiếp theo.

Thành phố Hà Tĩnh ( Ảnh Báo Hà Tĩnh)

Quy hoạch xác định các định hướng lớn tạo đột phá phát triển gồm: 04 ngành trọng điểm, 03 trung tâm đô thị, 03 hành lang kinh tế, 01 trung tâm động lực tăng trưởng, 04 nền tảng.

Bốn ngành trọng điểm: Công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch.

Ba trung tâm đô thị: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh kết nối thành phố Hà Tĩnh, gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An, đô thị mới Nghi Xuân và vùng phụ cận. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và vùng phụ cận.

Ba hành lang kinh tế: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển gắn với quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam và đường ven biển. Hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8 từ thị xã Hồng Lĩnh đến Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Hành lang kinh tế trung du và miền núi phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh.

Một trung tâm động lực tăng trưởng: Khu kinh tế Vũng Áng với hạt nhân là Khu liên hợp gang thép Formosa, cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương.

Bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch.

Mục tiêu dài hạn đến năm 2050, Hà Tĩnh là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành một cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung bộ và cả nước. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển xanh, công nghiệp sinh thái, thông minh; dịch vụ phát triển đa dạng, hiện đại; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; hệ thống đô thị hiện đại, thông minh. Giáo dục, đào tạo, y tế, sức khỏe của người dân được đặt lên hàng đầu. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy. Người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Nếu xem Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nền tảng, định hình phát triển Hà Tĩnh, thì việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư chính là chìa khóa để hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng của con người Hà Tĩnh hướng đến mục tiêu là cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; đi cùng với đó là giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế, du lịch - dịch vụ cùng với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, xây dựng nông thôn mới.

Việc định hình rõ quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội của Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, giúp các nhà đầu tư hiện hữu yên tâm triển khai, tái khởi động các dự án, còn các nhà đầu tư mới nhìn thấy cơ hội nghiên cứu, đề xuất những dự án đầu tư mới vào Hà Tĩnh. Quan trọng hơn cả, quy hoạch tỉnh giúp các nhà đầu tư cảm nhận rõ về tư duy tầm nhìn phát triển và quyết tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế của chính quyền Hà Tĩnh.

Để hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh, ngày 28/5/2023, tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và trên 900 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; đại biểu các tỉnh nước bạn Lào, Thái Lan; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trong nước; các hiệp hội và câu lạc bộ; các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu về quy hoạch tỉnh, đồng thời thảo luận, chia sẻ ý kiến nhằm làm rõ hơn các mục tiêu, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của Hà Tĩnh, những định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của Hà Tĩnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; những vấn đề về biến đổi khí hậu mà Hà Tĩnh phải đối mặt. Cùng với đó, Hà Tĩnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 14 nhà đầu tư với 15 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 9.616 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đã ký kết với 25 nhà đầu tư về các lĩnh vực: bất động sản – du lịch – nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, năng lượng – nước sạch, giáo dục, nông nghiệp…, có tổng vốn đăng ký đầu tư trên 219.000 tỷ đồng. Các dự án lớn đang được nghiên cứu đầu tư khi được triển khai sẽ trở thành “cú hích lớn” cho sự phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị và đời sống nhân dân Hà Tĩnh

Cảng Sơn Dương – Khu kinh tế Vũng Áng (Ảnh Báo Hà Tĩnh)

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trao quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tặng hoa chúc mừng Hà Tĩnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, những định hướng phát triển và thu hút đầu tư của Hà Tĩnh bao gồm: Lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may... Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics… Lĩnh vực nông nghiệp là các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, phát triển nông nghiệp hữu cơ và các vùng chuyên canh. Đối với lĩnh vực đô thị là các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, nhiều dự án Hà Tĩnh đang ưu tiên kêu gọi đầu tư như: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí bãi nổi Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (Nghi Xuân); tổ hợp dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và sân golf Kỳ Nam (TX Kỳ Anh); khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà; khu đô thị mới Hàm Nghi; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong KKT Vũng Áng và KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo; tổ hợp nhà máy tinh chế thép; tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và linh kiện ô tô; Trung tâm logistics Vũng Áng; các dự án điện gió khác và điện mặt trời…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư do Hà Tĩnh tổ chức đã diễn ra thành công, tốt đẹp; truyền tải được những nội dung chính của quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các cơ quan ban ngành các cấp, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân Hà Tĩnh; đồng thời tạo sức lan tỏa về tư duy phát triển, về tầm nhìn và thu hút đầu tư, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong mắt các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng các nhà đầu tư được trao

Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại Hội Nghị

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung sức của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng mục tiêu của quy hoạch đặt ra sẽ dần trở thành hiện thực. Đó là: Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững”./.


Đức Hoàng/XTĐT