08/11/2022 10:03:03
MÔI TRƯỜNG KINH DOANH TỈNH HÀ TĨNH TỪ VIỆC PHÂN TÍCH CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp dân doanh. Bài viết đề cập đến việc đánh giá môi trường kinh doanh của tỉnh Hà Tĩnh thông qua phân tích sự biến động các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thời gian qua. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Môi trường kinh doanh (MTKD) có thể được nghiên cứu và xem xét theo nhiều cách khác nhau. Tiếp cận với quan điểm về MTKD của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong cơ chế thị trường có thể hiểu MTKD là sự vận động tổng hợp tương tác lẫn nhau giữa các yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN. Do đó MTKD sẽ bao gồm nhiều yếu tố cấu thành: yếu tố kinh tế, chính trị - pháp luật, văn hóa - xã hội, công nghệ, tự nhiên (Nguyễn Chí Thành, 2011). Trong một địa phương, sự tồn tại và phát triển của các DN cũng chịu ảnh hưởng, tác động bởi các yếu tố, điều kiện khác nhau của MTKD. Như vậy, MTKD địa phương cũng bao gồm các yếu tố cấu thành và đặc điểm tương đồng với MTKD nói chung. Tuy nhiên, khi xem xét đến MTKD địa phương có những đặc trưng riêng trong đó nhấn mạnh đến việc điều hành và các chính sách, kế hoạch, cơ chế quản lý của địa phương cũng như việc nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) địa phương trong mối quan hệ với các địa phương khác. Bởi thực chất NLCT địa phương, cấp tỉnh là khả năng ganh đua của các địa phương, các tỉnh trong việc tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên cơ sở lợi thế của địa phương trong mối liên kết các địa phương khác trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc chung của Trung ương và quốc tế. Xuất phát từ thực tế việc nghiên cứu và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hàng năm của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) là một căn cứ quan trọng để đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành của chính quyền tỉnh, thành phố trong việc tạo ra MTKD cho các DN tại địa phương hoạt động, bài viết đánh giá MTKD địa phương Hà Tĩnh thông qua việc phân tích chỉ số NLCT cấp tỉnh.

2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Các vấn đề liên quan đến MTKD được thực hiện khá đa dạng. Quỹ Châu Á, VCCI (2011) trong “Thực tiễn tốt trong tăng cường tính minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh Việt Nam” đã đề cập đến kinh nghiệm nâng cao tính minh bạch của các địa phương Việt Nam;  Stoyan Tenev, Amanda Carlier, Omar Chaudry và Nguyễn Quỳnh Trang (2003) với “Hoạt động không chính thức và môi trường kinh doanh ở Việt Nam” bàn về hoạt động không chính thức với các hình thái và tác động từ đó phân tích nguyên nhân của sân chơi bất bình đẳng và đưa ra các giải pháp chính sách; Nguyễn Chí Thành (2011), công trình “Môi trường kinh doanh - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” tiếp cận với các quan điểm về MTKD của DN khác nhau, phân tích thực trạng MTKD của DN Việt Nam thông qua các nhân tố; Raymond Mallon (2012), “Phương pháp tiếp cận trong hỗ trợ xây dựng môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ - Báo cáo Quốc gia: Việt Nam” đưa ra được các kết luận về vai trò của các nhà tài trợ đối với cải thiện MTKD ở Việt Nam;… Ngoài ra có nhiều công trình liên quan đến môi trường quốc gia, toàn cầu, ngành, lĩnh vực địa phương là cơ sở nghiên cứu về lý thuyết và thực tiễn về MTKD tại địa phương Hà Tĩnh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index - PCI) là chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng MTKD thuận lợi cho việc phát triển DN dân doanh. Xếp hạng PCI trên cơ sở xem xét các nguồn lực mềm - bao gồm những khía cạnh quan trọng khác nhau của MTKD cấp tỉnh chịu tác động trực tiếp từ thái độ và hành động của của chính quyền cấp tỉnh - là nhân tố quyết định đến sự hấp dẫn đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh của DN. Chỉ số đo lường 10 lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương sẽ được coi là thực hiện tốt 10 chỉ số thành phần nếu có: Chi phí gia nhập thị trường thấp; Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; Môi trường thông tin minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; Chi phí không chính thức thấp; Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; Lãnh đạo chính quyền tỉnh năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN; Dịch vụ hỗ trợ DN phát triển, chất lượng cao; Chính sách đào tạo lao động tốt; Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả; Sự bình đẳng đối với các thành phần kinh tế tại địa phương (Trần Thu Thủy, 2014). Phương pháp nghiên cứu trong bài viết là phân tích kết quả đạt được chỉ số PCI của Hà Tĩnh thông qua đó đánh giá được kết quả cải thiện MTKD tại tỉnh. Cụ thể ở đây phân tích sự thay đổi về chỉ số PCI và các chỉ số thành phần cũng như các chỉ tiêu cụ thể trong PCI Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2021.

3. Nội dung nghiên cứu

3.1. Phân tích chỉ số PCI của tỉnh Hà Tĩnh

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố dữ liệu PCI tổng hợp cho thấy trong những năm qua điểm số PCI của Hà Tĩnh chưa cao và có sự biến động lên xuống, xếp hạng NLCT chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nhiều tiêu chí còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu (Xem bảng 1).

Bảng 1. Tổng hợp kết quả chỉ số PCI của Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2020

Năm

Điểm tổng hợp

Xếp hạng trong cả nước

Nhóm điều hành

2011

65,97

7

Tốt

2012

56,27

35

Khá

2013

55,48

45

Trung bình

2014

58,19

35

Khá

2015

57,20

45

Khá

2016

57,76

39

Khá

2017

61,99

33

Trung bình

2018

63,99

23

Khá

2019

65,46

27

Khá

2020

64,56

21

Khá

2021

64,87

27

Khá

     Nguồn: Tổng hợp từ http://pcivietnam.org

Theo đó, chỉ số PCI của tỉnh Hà Tĩnh có sự biến động đáng kể theo thời gian. Giai đoạn 2011-2021 có 2 năm chỉ số PCI của Hà Tĩnh xếp ở nhóm điều hành trung bình, chủ yếu ở mức xếp loại nhóm điều hành khá. So sánh thứ hạng PCI tỉnh Hà Tĩnh với 63 tỉnh, thành trong cả nước và 6 tỉnh trong vùng duyên hải Trung Bộ có thể thấy thứ hạng của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có sự cải thiện nhưng chưa cao.

Trong khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh xếp thứ 2 sau tỉnh Thừa Thiên Huế (xếp thứ 8 toàn quốc, tăng 9 bậc so với năm 2020). Các tỉnh xếp sau Hà Tĩnh lần lượt là Nghệ An (xếp thứ 30, giảm 12 bậc), Quảng Trị (xếp thứ 41, giữ nguyên thứ hạng), Thanh Hoá (xếp thứ 43, giảm 15 bậc) và Quảng Bình (xếp thứ 57, giảm 5 bậc).

So với năm 2020, tổng điểm của Hà Tĩnh có tăng nhẹ (tăng 0,31 điểm), nhưng thứ hạng giảm 6 bậc.  

Cả giai đoạn 2013-2017 tỉnh không cải thiện được thứ hạng. Giai đoạn 3 năm trở lại đây PCI của tỉnh có cải thiện được vị trí trong cả nước và trong vùng song không ổn định và cải thiện không đáng kể.

Tổng hợp từ http://pcivietnam.org

Phân tích cụ thể điểm các chỉ số thành phần cấu thành PCI tỉnh Hà Tĩnh ở bảng 2 cho thấy những vấn đề vẫn còn tồn tại về MTKD cần giải quyết. Sự cải thiện các chỉ số thành phần PCI của Hà Tĩnh chưa thật sự đồng đều.

Phân tích cụ thể các chỉ số thành phần thì Hà Tĩnh có 7 chỉ số tăng, nhưng so vơi mức tăng của các tỉnh thì thấp hơn, nên thứ hạng thấp hơn năm 2020. Chi tiết:

07 chỉ số tăng điểm gồm:

(1) Tính năng động của chính quyền tỉnh (tăng 1,75 điểm),

(2) Chi phí không chính thức (tăng 1,3 điểm)

(3) Tính minh bạch (tăng 0,71 điểm)

(4) Cạnh tranh bình đẳng (tăng 0,44 điểm)

(5) Gia nhập thị trường (tăng 0,38 điểm).

(6) Thiết chế pháp lý (tăng 0,32 điểm)

(7) Tiếp cận đất đai (tăng 0,22 điểm)

03 chỉ số giảm điểm gồm:

(1) Đào tạo lao động (giảm 1,46 điểm)

(2) Chi phí thời gian (giảm 0,14 điểm)

(3) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (giảm 0,49 điểm).

Bảng 2. Điểm số các chỉ số thành phần PCI tỉnh Hà Tĩnh

Nguồn: Tổng hợp từ http://pcivietnam.org

 3.2. Một số nhận xét, đánh giá rút ra về môi trường kinh doanh qua việc phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Tĩnh

Như vậy, qua việc phân tích chỉ số PCI, các chỉ số thành phần và các chỉ tiêu cụ thể trong PCI của Hà Tĩnh trong giai đoạn vừa qua có thể nhận thấy MTKD của tỉnh đã có những cải thiện trên nhiều mặt như: sự năng động của chính quyền, cải cách hành chính đã có hiệu quả đáng kể, môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng hơn đối với các DN... Tuy nhiên thực tế chỉ số PCI của tỉnh vẫn thấp và nhiều vấn đề liên quan chưa được giải quyết. Những vấn đề vẫn còn tồn tại về MTKD của tình như sau:

Một là, cơ chế minh bạch thông tin của tỉnh còn hạn chế, điều này dẫn đến những vấn đề nhũng nhiễu của cán bộ công chức. Đồng thời các cơ chế để cung cấp thông tin rộng rãi đến các DN chưa phát huy hiệu quả, thông tin còn nghèo nàn chưa thích hợp và đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của DN. Các kế hoạch của tỉnh cụ thể hóa và thực thi quy định pháp luật của nhà nước chưa được công khai hóa khiến việc dự liệu để phát triển hoạt động của các DN gặp nhiều khó khăn.

Hai là, MTKD tại tỉnh chưa thực sự thông thoáng, bình đẳng. Các chi phí không chính thức mà DN phải bỏ ra còn nhiều, tình trạng gây nhũng nhiễu cho các DN trong quá trình hoạt động còn xảy ra trong một số lĩnh vực như: thuế, đất đai… Mặt khác, sự bất bình đẳng vẫn còn tồn tại trong môi trường kinh doanh tại tỉnh là sự phân biệt các loại hình DN (DNNN, DN FDI, DN dân doanh…), DN có quy mô lớn và thân quen với cán bộ chính quyền với các DN khác. Nguyên nhân có thể kể đến đó là do trình độ, nhận thức, đạo đức của đội ngũ CBCC còn yếu, kém, cách làm việc cũ theo hướng thân quen…; Cơ chế để DN phản hổi những vấn đề nhũng nhiễu chưa có nhiều và DN lo sợ, có tâm lý e ngại trong việc tố cáo các hoạt động gây nhũng nhiễu đó gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.

Ba là, tính tiên phong của lãnh đạo tỉnh chưa cao, hiệu quả hoạt động của các cấp sở, ngành tại tỉnh chưa đồng đều trong việc tạo ra một môi trường ổn định, thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, DN nhất là việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành này. Việc giải quyết triệt để, đầy đù, kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN chưa cao do năng lực của các đơn vị cũng như chưa sâu sát với hoạt động của các DN nên chưa nắm bắt đúng và giải quyết hiệu quả khó khăn cho DN...

Bốn là, hạn chế về các yếu tố khác trong môi trường kinh doanh như tiếp cận, mở rộng đất đai kinh doanh khó khăn, thiếu quỹ đất sạch và vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, thông tin không đầy đủ, minh bạch làm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của DN. Thêm vào đó, thiết chế pháp lý tại tỉnh chưa làm cho DN hoàn toàn tin tưởng để đầu tư, kinh doanh. Lao động và nhất là lao động chưa qua đào tạo cũng như các dịch vụ hỗ trợ DN còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của DN cũng là một yếu tố làm hạn chế môi trường kinh doanh tại tỉnh.

3.3. Một số đề xuất giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Hà Tĩnh từ việc xem xét chỉ số PCI của tỉnh

Trên cơ sở các phân tích trên, bài viết đề xuất một số giải pháp cải thiện MTKD thông qua việc cải thiện điểm số PCI Hà Tĩnh trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, minh bạch các thông tin về môi trường kinh doanh tại tỉnh, cải thiện hiệu quả và chất lượng trang website của tỉnh. Đồng thời các kế hoạch của tỉnh để thực thi những quy định pháp luật của Trung ương cần rõ ràng và thông tin đầy đủ để các DN có thể dự tính các phương án kinh doanh phù hợp. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và đặc biệt là thủ tục hành chính về thuế, tăng cường công khai, minh bạch thông tin nhất là các thông tin về đất đai,... Tỉnh cần đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Trong toàn tỉnh phải xây dựng được quy trình, thời gian để thực hiện thống nhất đảm bảo phù hợp với thực tiễn và điều kiện cụ thể của từng cấp, ngành. Cải cách thủ tục hành chính gắn liền với việc xiết chặt kỷ luật hành chính và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hành chính, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Thứ hai, tạo cơ chế thông thoáng và giảm thiểu các chi phí không chính thức cho DN, tạo một môi trường bình đẳng thực sự cho các DN, nhà đầu tư. Tỉnh cần tăng cường giáo dục tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức Bên cạnh đó cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có các quy định thưởng, phạt công khai, nghiêm khắc đối với những trường hợp lợi dụng vị trí làm việc gây khó khăn cho DN. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là thanh tra, giải quyết tố cáo các vụ việc tham nhũng đối với những lĩnh vực dễ gây nhũng nhiễu cho DN, nhà đầu tư. Mặt khác, có cơ chế ngăn chặn triệt để vấn đề chi phí không chính thức trong lĩnh vực thanh, kiểm tra DN. Chú trọng thanh, kiểm tra các khâu: Giao đất, đấu thầu, chỉ định thầu, thực hiện các dự án. Tỉnh cần có cơ chế DN có thể phản hồi ngay các thông tin gây nhũng nhiễu cho DN, nhà đầu tư, ví dụ các số hotline và thông báo rộng rãi đến các DN để các DN được biết. Thêm vào đó, trong các hoạt động, chính sách của tỉnh phải khách quan, không có sự phân biệt đối với các DN.

Thứ ba, phát huy tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành. Trước hết phải nâng cao nhận thức về trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ công chức nhà nước về phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp của các DN. Sau đối thoại giữa chính quyền với DN và nhà đầu tư cần giải quyết nhanh, kịp thời những khó khăn, vướng mắc của DN. Thêm vào đó, cần có những cách thức để tăng hiệu quả của việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc sau khi tiếp nhận và phản hồi với DN. Trong các cấp, ngành cần cải thiện tính năng động sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cải thiện mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết nhanh, đúng các khó khăn, vướng mắc cho DN.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện các yếu tố khác để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp như: có cơ chế chính sách giao đất đầu tư hợp lý, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, DN; Đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu DN trên địa bàn tỉnh; Nâng cao việc tiếp cận các yếu tố hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các DN; Tăng cường thiết chế pháp lý và tạo sự cạnh tranh bình đẳng đối với các DN. Theo đó, tỉnh cần tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho DN. Phát huy hơn nữa vai trò của trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh và đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN. Tập trung xử lý nhanh các vụ việc tranh chấp của DN, không để kéo dài (Trần Thu Thủy, 2015). Thêm vào đó, nâng cao năng lực của Trung tâm hỗ trợ phát triển DN và xúc tiến đầu tư tỉnh; phát huy vai trò của các hiệp hội trong hỗ trợ DN. Đồng thời, Tỉnh cần tăng cường việc thông tin, tuyên truyền để các DN hiểu rõ các cơ chế, chính sách và những hỗ trợ hoạt động kinh doanh khác về dịch vụ đào tạo lao động, các dịch vụ công bao gồm: hỗ trợ thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến xuất khẩu và hội chợ thương mại, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và các dịch vụ hỗ trợ DN khác như kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh….

Kết luận

Cải thiện MTKD để nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương là một trong những khâu đột phá để nền kinh tế địa phương có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Để cải thiện được MTKD trong thời gian tới Hà Tĩnh cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh đặc biệt là cần có các giải pháp trước mắt và chiến lược để cải thiện các chỉ số thành phần và các chi tiêu thấp; đồng thời giữ và cải thiện hơn nữa các chỉ số thành phần, các chỉ tiêu đã được cải thiện trong giai đoạn vừa qua.


Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm HTPTDN và XTĐT