1. Vị trí địa lý, tiềm năng lợi thế
Thị xã Kỳ Anh nằm phía nam tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Hà Tĩnh 60 km, cách Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) khoảng 100 km về phía nam.
Diện tích tự nhiên: 28.025 ha, bao gồm 06 phường: Hưng Trí, Kỳ Trinh, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh và 05 xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh, Kỳ Hoa, Kỳ Lợi, Kỳ Nam.
Thị xã Kỳ Anh có vị trí chiến lược với những tiềm năng lợi thế khác biệt; Thị xã Kỳ Anh xác định mục tiêu phát triển thành trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh, trong đó trọng tâm là Khu kinh tế Vũng Áng với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với du lịch, dịch vụ, nông – lâm nghiệp; là đô thị có vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng Bắc Trung bộ.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 15,05%. Năm 2020: quy mô nền kinh tế đạt 37.045,4 tỷ đồng; tỷ trọng: nông nghiệp 2,29%, công nghiệp - xây dựng 81,2%, dịch vụ 16,51%.
Lĩnh vực phát triển chủ đạo của thị xã Kỳ Anh là công nghiệp luyện kim, chế biến chế tao các sản phẩm sau thép, sản xuất nhiệt điện, điện khí, công nghiệp phụ trợ, phát triển Logistic gắn với Cụm cảng nước sâu, thương mại, dịch vụ, du lịch... Thị xã Kỳ Anh có cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, giữ vai trò quan trọng về an ninh - quốc phòng và giao thông hàng hải của khu vực và quốc tế.
Theo Quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thị xã Kỳ Anh sẽ trở thành đô thị công nghiệp với tính chất là trung tâm kinh tế tổng hợp phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh với các ngành kinh tế chủ đạo là công nghiệp và dịch vụ cảng biển, kết hợp hài hòa với các ngành kinh tế: du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp.
Trên địa bàn có Khu kinh tế Vũng Áng là Khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Khu Kinh tế Vũng Áng có diện tích 22.781ha, với địa thế thuận lợi, hạt nhân là cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương (sâu nhất khu vực Bắc Trung Bộ), cho phép tàu có tải trọng từ 30 - 50 vạn tấn cập bến… Ngoài ra, cảng Vũng Áng còn là cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào và Thái Lan.
Khu kinh tế Vũng Áng đã thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài và trong nước đến đầu tư và hoạt động hiệu quả, đóng góp không nhỏ vào tốc độ phát triển kinh tế của Thị xã Kỳ Anh nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.
Quy hoạch Trung tâm logistics và dịch vụ hậu cảng Sơn Dương theo tỷ lệ 1/500 tại Khu kinh tế Vũng Áng thuộc quy hoạch chung thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với mục tiêu đến năm 2035 là Trung tâm logistics phục vụ không chỉ trong phạm vi Hà Tĩnh, khu vực miền Trung mà còn kết nối với hành lang kinh tế Đông - Tây và phục vụ các hoạt động giao thương Quốc tế.
Thị xã Kỳ Anh có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng được xếp hạng quốc gia như đền thờ Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Đền thờ công chúa Liễu Hạnh, Đền Eo Bạch; có các bãi biển đẹp như Kỳ Ninh, Hoành Sơn, hệ thống cơ sở hạ tầng ven biển ngày càng được thị xã, tỉnh quan tâm đầu tư, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, thưởng ngoạn và nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư.
2. Định hướng phát triển
Thị xã Kỳ Anh sẽ tập trung và tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển thị xã Kỳ Anh đạt các tiêu chuẩn thành phố vào năm 2025 và trở thành đô thị loại II vào năm 2035. Trong đó định hướng phát triển các khu vực như sau:
Khu vực cảng Vũng Áng: 40 ha
- Bao gồm: Cảng, dịch vụ hậu cảng, kho xăng dầu và khu phi thuế quan
- Công suất cảng 29,7 triệu tấn/năm; tiếp nhận tàu 5 vạn tấn.
- Chú trọng kết nối với hệ thống đường trục chính, đường sắt và khu vực Kỳ Ninh.
Khu vực cảng và công nghiệp Sơn Dương: 3.319 ha
- Ưu tiên cho các nhà máy Công nghiệp gắn với cảng biển.
- Bổ sung dịch vụ hỗ trợ, ưu tiên đầu tư xây dựng khu hành chính, dịch vụ cảng Sơn Dương.
Khu vực Hưng Trí:
- Chú trọng tạo trung tâm đô thị dọc sông Trí, tạo vỉa hè rộng và các quảng trường nhỏ dọc sông.
- Cải tạo, bổ sung không gian công cộng tại khu vực thành cổ, khuyến khích phát triển dịch vụ để hình thành trung tâm đô thị có chất lượng.
- Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo quy chuẩn đô thị.
Khu vực Kỳ Ninh: 1.338 ha
- Khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở cải tạo, nâng cấp các khu dân cư hiện trạng.
- Quy hoạch khu phố đi bộ - khu trung tâm dịch vụ du lịch, các khu nông nghiệp sạch kết hợp cảnh quan du lịch.
- Tổ chức khu đô thị trung tâm mới có trục cảnh quan chính hướng lên vị trí có tầm nhìn đẹp trên sườn núi Bàn Độ. Chú trọng bố trí các không gian hỗ trợ cho khu di tích Đền bà Bích Châu, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Khu vực Kỳ Hà và cửa sông Quyền
- Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái;
- Tổ chức khu trung tâm đô thị gắn với vườn hoa, quảng trường để nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị.
- Đan xen hợp lý các khu chức năng mới với các khu dân cư hiện trạng, bố trí dải cây xanh công cộng kết hợp với đường dạo, đường xe đạp làm không gian chuyển tiếp và đảm bảo thoát nước cho các khu dân cư hiện hữu.
Khu đô thị trung tâm tại Kỳ Trinh:
- Định hướng phát triển khu đô thị hiện đại, hấp dẫn về cảnh quan, du lịch, xây dựng hệ thống mặt nước liên hoàn, nối liền hệ thống sông hồ, vừa tạo cảnh quan du lịch, vừa có thể chuyển đổi ngành nghề từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản.
- Quy hoạch khu vực dự trữ phát triển trung tâm đô thị mới tại phía Bắc núi Cụp Bắp. Chú trọng cải tạo, nâng cấp các khu dân cư hiện trạng, khuyến khích phát triển dịch vụ đan xen với nhà ở, các khu chức năng mới để hoàn thiện không gian đô thị.
Khu vực Hồ Mộc Hương:
- Khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên hồ Mộc Hương, quỹ đất phía Nam Quốc lộ 1A để xây dựng trung tâm Thể dục thể thao
- Quy hoạch xây dựng các khu công viên đô thị tại khu vực phía đông hành lang điện 500KV, 220KV đến khu trung tâm giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ cao.
- Nâng cấp, cải tạo khu dân cư hiện hữu, kết nối tốt với các không gian xây dựng mới, khu vực lập quy hoạch với các khu chức năng lân cận và toàn đô thị.
Khu đô thị đa chức năng phía Nam núi Màu:
Điều chỉnh từ định hướng quy hoạch phát triển tập trung các trường đại học, giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ cao (nằm giữa khu vực hồ Tàu Voi và khu vực hồ Mộc Hương) thành khu đô thị đa chức năng, với trục chính hướng về phía khu vực hồ Tàu Voi và QL12C.
Khu đô thị dịch vụ phía Tây đường đi cảng Vũng Áng:
Khuyến khích phát triển dịch vụ đa chức năng về phía tiếp giáp Quốc lộ 1 hiện nay và đường đi cảng Vũng Áng.
Khu công nghiệp đa ngành: gồm khu công nghiệp Vũng Áng 1 mở rộng và khu công nghiệp phía Tây đường đi cảng Vũng Áng. Khuyến khích phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất.
Khu dân cư hiện trạng cải tạo phía Nam núi Càn: Cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng; Khuyến khích phát triển dịch vụ; tổ chức không gian đô thị khai thác địa thế tựa núi, hướng sông, tổ chức không gian công cộng ven sông và tuyến phố trung tâm tiếp giáp với không gian công cộng, không gian ven sông.
Khu đô thị trung tâm phía Đông KCN Vũng Áng
- Cơ bản giữ lại cải tạo các khu dân cư hiện hữu, kết hợp với các khu chức năng mới cung cấp dịch vụ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực.
- Tổ chức khu công viên - vườn hoa tại khu vực nút giao thông phía Đông, kết hợp với các dải không gian cây xanh trong lõi khu vực và ven các trục đường có tính chất đối ngoại.
Khu vực Hồ Tàu Voi
- Khuyến khích phát triển khu đô thị trung tâm đa chức năng, chú trọng tạo hướng kết nối với các khu đô thị ở hai phía Đông - Tây và kết nối các khu đô thị này với không gian quanh hồ Tàu Voi.
- Chú trọng tạo các không gian quảng trường công cộng gắn với các khu trung tâm đô thị ven mặt nước; công trình dịch vụ trọng điểm (như: Khu vực hội nghị - tiệc cưới, trung tâm văn hóa, khách sạn, nhà hàng chất lượng cao…) được tiếp xúc trực tiếp với một phần không gian ven hồ, tại một số vị trí phù hợp tạo không gian tương đối riêng gần mặt nước.
Khu đô thị Kỳ Long - Kỳ Liên - Kỳ Phương
- Tổ chức trục dịch vụ và trung tâm khu vực theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, song song với Quốc lộ 1; sử dụng đất đa chức năng bao gồm sản xuất Tiểu thủ công nghiệp sạch.
- Khuyến khích các công trình thiết kế vuông góc với hướng Bắc Nam, đảm bảo các không gian sân chơi, quảng trường công cộng phục vụ cho giao lưu cộng đồng, đặc biệt là khu vực tiếp cận với cây xanh mặt nước.
Khu vực hai bên Quốc lộ 1 - giáp Kỳ Phương
- Tổ chức không gian các khu đô thị khai thác địa thế tựa núi, hướng biển.
- Sử dụng đất linh hoạt bao gồm cả sản xuất Tiểu thủ công nghiệp sạch; bố trí một số khu vực nuôi trồng thủy sản và tổ chức cảng cá phục vụ lao động đánh bắt hải sản.
Khu vực Kỳ Nam
- Khai thác giá trị dịch vụ du lịch của toàn khu vực, bao gồm:
+ Khu đô thị du lịch trên sườn núi Đèo Ngang, khai thác tầm nhìn về phía vùng cây xanh sinh thái hai bên sông Con Bò.
+ Khu đô thị nước kết nối với mặt nước sông Con Bò.
+ Khu trung tâm dịch vụ du lịch gắn với khu dân cư hiện hữu ven biển.
+ Tổ chức dịch vụ cửa ngõ cho khu dịch vụ du lịch (giáp phía Đông Quốc lộ 1A) và khu trung tâm khu dân cư Kỳ Nam (phía Tây Quốc lộ 1A).
+ Cải tạo và nâng cấp, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu dân cư hiện hữu phía Tây Quốc lộ 1A, tổ chức các sân chơi công cộng tại khu vực ven núi, các tuyến đường kết nối từ núi là Quốc lộ 1A.
3. Định hướng thu hút đầu tư
* Công nghiệp: Kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp sau thép, cảng chuyên dùng; nhiệt điện (điện khí)...; lấp đầy cụm công nghiệp Hưng Trí, Kỳ Ninh; bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp Kỳ Hoa phục vụ cho ngành chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ...
* Thương mại, dịch vụ: Xây dựng hệ thống chợ Kỳ Trinh, Kỳ Lợi, cửa hàng xăng dầu, siêu thị mini; 15 tuyến phố chuyên ngành, 02 trung tâm thương mại; vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử dự kiến đạt từ 5 tỷ đồng/1 năm trở lên.
Tăng cường kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức xã hội hóa, đối tác công tư (PPP)…ưu tiên các ngành dịch vụ: tài chính ngân hàng, các hoạt động văn hóa, xã hội, thể dục - thể thao...
* Du lịch: Hình thành chuỗi du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa cộng đồng, tổ chức hội nghị, hội thảo. Tập trung khai thác, phát triển du lịch biển Kỳ Ninh, Kỳ Nam; du lịch sinh thái Kỳ Hoa, Kỳ Nam; tour du lịch biển, du lịch tâm linh, cảnh quan sinh thái nông nghiệp gắn với tham quan các khu công nghiệp, cảng biển.
* Nông nghiệp: Đưa thủy sản trở thành ngành mũi nhọn của toàn ngành; đầu tư các vùng chuyên canh nông nghiệp: Kỳ Hoa, Hưng Trí, Kỳ Ninh, Kỳ Nam, Kỳ Hà. Củng cố, nâng cấp phát triển các sản phẩm OCOP…
Đức Hoàng/XTĐT