17/07/2025
Sở Tài chính Hà Tĩnh triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số PCI năm 2025

Nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi và thân thiện hơn với doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Kế hoạch số 4706/KH-STC ngày 14/7/2025 cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo đó, Kế hoạch tập trung vào việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng tính minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả phục vụ của cơ quan tài chính công.

Sở Tài chính xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh Hà Tĩnh đang nỗ lực thu hút nguồn vốn đầu tư mới và phát triển khu vực kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Việc nâng cao PCI không chỉ đơn thuần là tăng điểm số, thứ hạng mà còn nhằm tạo ra chuyển biến thực chất trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Từng chỉ số thành phần sẽ được phân công cụ thể cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc, đảm bảo rõ trách nhiệm và tiến độ.

Tập trung vào 8 chỉ số thành phần then chốt

Kế hoạch xác định 8 nhóm chỉ số thành phần PCI cần tập trung cải thiện, gắn liền với các hoạt động thiết thực:

(1) Chỉ số tiếp cận đất đai:

Chủ trì tham mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp theo Nghị quyết số 96/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để đầu tư hoàn thành kết cấu hạ tầng CCN do ngân sách nhà nước đầu tư.

Đảm bảo quy trình và thời gian xử lý hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định; giám sát, đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư, dự án đầu tư hạ tầng CCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai.

(2) Chỉ số chi phí thời gian:

Rà soát, phân loại, rõ trách nhiệm giải quyết, xử lý hồ sơ hành chính; nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nghiên cứu lựa chọn một số thủ tục hành chính có số hồ sơ phát sinh lớn thí điểm xây dựng quy trình rút ngắn thời gian giải quyết theo quy định; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ; cán bộ được bố trí công tác hỗ trợ và tiếp xúc với doanh nghiệp phải thân thiện, hướng dẫn phải kịp thời, cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính; nêu cao trách nhiệm của công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, tập trung giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Chuẩn hoá, điện tử hoá quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng; số hoá kết quả giải quyết thủ tục hành chính để nâng cao tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí. Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại các cấp chính quyền. Đẩy mạnh thực hiện thu phí, lệ phí bằng thanh toán không dùng tiền mặt.

Cập nhật, thống kê thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị hủy bỏ, bãi bỏ để kịp thời dự thảo quyết định công bố theo đúng quy định. Kịp thời trình phê duyệt quy trình nội bộ và tổ chức thực thi các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh công bố. Công khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các thủ tục hành chính, khoản phí, lệ phí tại nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Sở đảm bảo dễ tìm, rõ ràng, chính xác và đầy đủ.

(3) Chỉ số chi phí không chính thức:

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng; Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Trọng Hải công khai đường dây nóng tại các Trung tâm phục vụ hành chính công các cấp

Kiểm tra và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tự ý đặt ra các điều kiện, quy định thành phần hồ sơ nằm ngoài quy định; nhũng nhiễu, tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.

(4) Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Tổ chức các khóa đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp chuyên sâu để nâng cao năng lực quản trị điều hành doanh nghiệp.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho Doanh nghiệp

Phối hợp với các phòng chuyên môn và Trung tâm Dịch vụ tài chính và Hỗ trợ doanh nghiệp đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, tổng hợp các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

(5) Chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền

Chủ động hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc thực hiện dự án trên địa bàn; đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền phương án xử lý các vướng mắc khó khăn liên quan đến lĩnh vực quản lý (nếu có) nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát các vướng mắc liên quan đến pháp luật trong quá trình đầu tư kinh doanh để tổng hợp, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi phù hợp.

Tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, thu hồi các dự án của các nhà đầu tư chậm triển khai, không đầu tư. Thực hiện thẩm định các hoạt động đầu tư đúng quy định, đặc biệt lưu ý đánh giá các nội dung liên quan đến với an ninh, quốc phòng môi trường, xã hội.

Tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với doanh nghiệp, nhà đầu tư, chương trình cà phê doanh nhân, gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư… (ít nhất 02 lần/năm),; tổng hợp phản ánh, kiến nghị doanh nghiệp, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Lãnh đạo Sở. Tiếp nhận, theo dõi phản hồi từ doanh nghiệp, trình lãnh đạo chỉ đạo xử lý.

Chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Sở tham mưu tổ chức thực hiện các hoạt động đối thoại, gặp mặt, cà phê doanh nhân giữa Lãnh đạo Sở Tài chính với các doanh nghiệp, nhà đầu tư về các lĩnh vực tài chính, đầu tư…

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp xã (DDCI) tỉnh Hà Tĩnh năm 2025, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của các sở, ban ngành và địa phương.

Tăng cường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chủ động nghiên cứu, thực hiện các giải pháp mới và học tập kinh nghiệm thực tiễn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở các địa phương khác để triển khai phù hợp trên địa bàn tỉnh.

(6) Chỉ số gia nhập thị trường

Tiếp tục duy trì 100% thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh phương thức trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Đảm bảo thời gian giải quyết đúng hạn và sớm trước quy định đối với cả thủ tục đăng ký mới và thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp;

Chủ động rà soát, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm thời gian giải quyết các thủ tục hồ sơ liên quan đến Đăng ký doanh nghiệp; chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giảm thời gian cho doanh nghiệp hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động. Thực hiện niêm yết công khai các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư; triển khai có hiệu quả mô hình “Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện”. Chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỷ cương hành chính cho cán bộ để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đề ra các giải pháp cụ thể theo lĩnh vực phụ trách để thực hiện các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp đăng ký thành lập tránh kéo dài thời gian chờ đợi để chính thức đi vào hoạt động.

(7) Chỉ số tính minh bạch

Thực hiện công khai, minh bạch thông tin trên website/trang thông tin điện tử của các đơn vị; cập nhật và hướng dẫn rõ ràng: quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh... cho công dân, doanh nghiệp. Các thông tin phải đầy đủ, kịp thời, rõ ràng để người dân, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, cập nhật.

 (8) Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng:

Thực hiện nhất quán nguyên tắc không phân biệt đối xử trong thụ hưởng chính sách, thực hiện bình đẳng, minh bạch quyền và nghĩa vụ của các thành phần kinh tế theo quy định pháp luật; không phân biệt đối xử, thực hiện bình đẳng, minh bạch với tất cả các loại hình doanh nghiệp trong tiếp cận tài liệu pháp lý, quy hoạch, kế hoạch, tài liệu ngân sách, danh mục dự án thu hút đầu tư, danh mục dự án đầu tư công trung hạn, thực hiện thủ tục hành chính.

Quyết liệt trong hành động, sát sao trong giám sát

Điểm mới trong kế hoạch năm nay là PCI sẽ được lồng ghép với các chỉ tiêu đánh giá thi đua, khen thưởng, và là căn cứ quan trọng trong chấm điểm kết quả công tác của từng phòng, ban.

Việc triển khai kế hoạch cũng đi liền với tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, bất cập phát sinh.

Với lộ trình rõ ràng, giải pháp cụ thể và quyết tâm hành động mạnh mẽ, Sở Tài chính Hà Tĩnh kỳ vọng kế hoạch cải thiện PCI năm 2025 sẽ tạo ra bước chuyển thực chất trong chất lượng điều hành và phục vụ doanh nghiệp, góp phần nâng cao hình ảnh môi trường đầu tư của tỉnh trong mắt nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp.

Sở Tài chính được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao tổ chức Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và cấp xã (DDCI) tỉnh Hà Tĩnh năm 2025. Đây là nhiệm vụ nhằm đánh giá vai trò, trách nhiệm điều hành các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp xã trong việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Hà Tĩnh, nâng cao Chỉ số PCI của tỉnh Hà Tĩnh; dự kiến khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số DDCI năm 2025 sẽ triển khai trong tháng 9, 10 năm 2025.

File đính kèm:

Đức Hoàng/XTĐT