09/07/2025
Hà Tĩnh ban hành Chương trình hành động về phát triển kinh tế tư nhân

Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chương trình hành động số 46-CTr/TU nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Hà Tĩnh xác định đây là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh trong thời gian tới.

Theo chương trình hành động, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu có khoảng 18.000–20.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt bình quân 13–15 doanh nghiệp/1.000 dân. Kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 60–65% GRDP, giải quyết việc làm cho khoảng 85% tổng số lao động, với năng suất lao động tăng bình quân 8,5–9,5%/năm.

Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Tĩnh hướng tới xây dựng khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng quốc gia và toàn cầu; có ít nhất 35.000 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp trên 65% GRDP của tỉnh.

Chương trình hành động nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân:

1. Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, tạo khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.

2. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.

Tập trung hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch để loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Phấn đấu cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, 4 ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

3. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao.

Tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

4. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân

Ưu tiên nguồn lực của tỉnh để hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển; sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.

5. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

6. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

7. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm,...; triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, tận tụy giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp; thường xuyên đối thoại, xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành.

8. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng xây dựng Kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị; tổ chức quán triệt Nghị quyết số 68-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên; tuyên truyền, phổ biến trong Nhân dân; cấp cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại địa bàn về phát triển kinh tế tư nhân; tổ chức sơ kết, tổng kết ở cấp cơ sở; định kỳ hằng năm đánh giá kết quả thực hiện tại địa phương, đơn vị; Tạo cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, doanh nghiệp,... tham gia tích cực vào các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số....

Việc triển khai Chương trình hành động số 46-CTr/TU không chỉ thể hiện rõ quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 68-NQ/TW, mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới cho khu vực kinh tế tư nhân – trở thành lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và hội nhập bền vững.

File đính kèm:

Thùy Dương