Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh qua nền tảng số ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đang là một trong những thách thức lớn đối với cơ quan nhà nước. Để đảm bảo minh bạch, công bằng và chống thất thu ngân sách, ngày 09/6/2025 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2025/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc đơn giản hóa thủ tục nộp thuế, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý thuế trong nền kinh tế số. Tuy nhiên, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng sẽ đối mặt với những thay đổi nhất định.
Nghị định quy định rõ trách nhiệm của tổ chức vận hành nền tảng số (như các sàn thương mại điện tử có chức năng thanh toán: Shopee, Lazada, TikTok Shop, v.v.) trong việc khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng.
Hình ảnh minh họa: Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Các nội dung nổi bật:
- Áp dụng với cá nhân cư trú và không cư trú có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số.
- Các tổ chức trung gian sẽ thực hiện khấu trừ thuế GTGT và thuế TNCN theo tỷ lệ quy định cụ thể trên từng loại giao dịch.
- Cá nhân không phải kê khai, nộp thuế thủ công, nếu đã được nền tảng khấu trừ và nộp thay.
- Cơ quan thuế và các tổ chức có trách nhiệm chia sẻ thông tin để đảm bảo giám sát minh bạch.
- Đơn giản hóa thủ tục thuế: Người bán hàng online sẽ không cần phải tự kê khai, tự nộp thuế từng tháng hoặc quý như trước, vì sàn đã thực hiện thay.
- Giảm rủi ro vi phạm pháp luật: Việc khấu trừ và nộp thuế qua bên trung gian sẽ giúp cá nhân kinh doanh tuân thủ đúng quy định, hạn chế tình trạng nộp thiếu hoặc trễ hạn.
- Tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp: Giao dịch kinh doanh trên nền tảng số sẽ dần được chuẩn hóa, có cơ sở rõ ràng về doanh thu, thuế phải nộp, giúp người bán xây dựng uy tín và dễ tiếp cận vốn ngân hàng.
- Khuyến khích chuyển đổi số: Cơ chế quản lý thuế hiện đại là động lực để hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi sang hình thức kinh doanh chuyên nghiệp, minh bạch hơn.
- Doanh nghiệp/sàn TMĐT phải đầu tư hệ thống công nghệ để thu – nộp thuế đúng: Việc tích hợp công cụ thuế trong hệ thống thanh toán sẽ đòi hỏi chi phí và nhân sự kỹ thuật chuyên môn cao.
- Người bán cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: Nếu không có mã số thuế hoặc thông tin không chính xác, sàn không thể khấu trừ đúng và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân.
- Khó kiểm soát các nền tảng xuyên biên giới: Với những nền tảng từ nước ngoài không đặt trụ sở tại Việt Nam, việc thực thi nghĩa vụ thuế vẫn còn nhiều khoảng trống cần bổ sung quy định cụ thể.
- Một số cá nhân có thể bị khấu trừ sai tỷ lệ nếu không phân loại được loại hình dịch vụ: Trong trường hợp không xác định rõ loại hình kinh doanh (hàng hóa hay dịch vụ), cơ quan thuế yêu cầu áp dụng mức thuế suất cao nhất để đảm bảo thu ngân sách.
Nghị định 117/2025/NĐ-CP là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Tuy còn một số khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện, nhưng về lâu dài, quy định này sẽ góp phần hình thành môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
File đính kèm:Nguyễn Nhung/HCTH