Ngày 5/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1515/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng, tỉnh Hà Tĩnh đạt tiêu chí đô thị loại II.
Thành phố Hà Tĩnh nhìn từ phía Bắc. Nguồn ảnh: Internet
Phạm vi thành phố Hà Tĩnh mở rộng gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Hà Tĩnh và một phần các huyện Thạch Hà (gồm các xã: Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài), huyện Lộc Hà (xã Hộ Độ), huyện Cẩm Xuyên (gồm các xã: Cẩm Vịnh và Cẩm Bình), có tổng diện tích tự nhiên là 220 km2.
Theo đại diện UBND Thành phố Hà Tĩnh, trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt 9,44%; cân đối thu - chi ngân sách dư; tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,11%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 75,51%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị đạt 86,70; diện tích sàn nhà ở bình quân là đạt 29m² sàn/người; tỷ lệ nhà ở kiên cố đạt 99%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ đường phố được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ ngõ, ngách, hẻm được chiếu sáng đạt 89,31%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 100%; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đạt 100%.
Bản đồ ranh giới thành phố Hà Tĩnh mở rộng. Nguồn ảnh: Internet
Theo Quy hoạch chung thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, định hướng phát triển không gian đô thị của thành phố Hà Tĩnh mở rộng và các vùng phụ cận cũng được tỉnh vạch ra rõ ràng, bao gồm: Đô thị thành phố trung tâm, các cụm động lực ngoại vi và phụ cận; và các khu phát triển mới. Cụ thể: Lấy đô thị hiện hữu làm hạt nhân phát triển của thành phố theo các hướng như sau:
- Hướng Bắc: Phát triển qua Cảng Hộ Độ gắn với khu dịch vụ du lịch sinh thái phía Bắc thành phố.
- Hướng Nam: Phát triển đô thị về phía Nam đường tránh gắn với khu phát triển hỗn hợp, khai thác cảnh quan hai bên sông Cầu Phủ, kết nối với hồ Kẻ Gỗ, Đại học Hà Tĩnh, Cụm công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên, cụm dịch vụ BPO – ITO và dịch vụ hỗ trợ và bảo dưỡng CNTT.
- Hướng Tây: Phát triển về phía Tây đường tránh Quốc lộ 1, gắn với khu vực đầu mối giao thông cao tốc quốc gia (đường bộ, đường sắt). Phát triển các khu đô thị mới hiện đại và đồng bộ.
- Hướng Đông: Phát triển về phía Đông sông Rào Cái; kết nối với khu vực mỏ sắt Thạch Khê, trong tương lai hình thành khu du lịch sinh thái biển hậu khai thác mỏ sắt.
Việc công nhận thành phố Hà Tĩnh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại II là hết sức cần thiết nhằm đánh giá đúng vị thế, vai trò, thực trạng phát triển đô thị của thành phố Hà Tĩnh, từ đó đưa ra các giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị phù hợp với định hướng lâu dài, tạo đà tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong tương lai.
Đây là một dấu mốc phát triển quan trọng, góp phần hiện thực hóa một trong những mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Đô thị Trung tâm – Thành phố Hà Tĩnh với các tính chất sau:
1- Là một trong những đô thị trung tâm vùng Bắc Trung Bộ có quy mô, kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; hỗ trợ cho sự phát triển của vùng liên tỉnh; là động lực chính thúc đẩy quan hệ quốc tế, đặc biệt với nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan và khu vực ASEAN.
2- Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, dịch vụ, khoa học-kỹ thuật, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh. Có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường, kết nối quốc gia và vùng, các đô thị, các vùng sản xuất, khai thác cảnh quan sông và từng bước gắn với phát triển kinh tế biển.
3- Là đô thị xanh và thông minh, trung tâm phát triển của vùng trọng điểm kinh tế trung tâm của tỉnh Hà Tĩnh, với động lực phát triển chính là công nghiệp, dịch vụ, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch - nghỉ dưỡng, có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển các vùng khác trong tỉnh
Trong thời gian tới, Thành phố Hà Tĩnh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực đến tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu đầu tư một số dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng các khu đô thị mới, hạ tầng thương mại dịch vụ, thể thao; công nghệ thông tin; các dự án nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái./.
File đính kèm:Ngọc An