27/05/2021 08:07:34
Chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh

I. Chức năng

Trung tâm có chức năng tham mưu trực tiếp, giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của tỉnh; xúc tiến, hỗ trợ, tư vấn, thu hút đầu tư trực tiếp trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh. Thực hiện kịp thời, hiệu quả, trách nhiệm trong việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo quy định cho các nhà đầu tư đối với các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh.

Trụ sở đặt tại số 02A, đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

II. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp:

a) Đầu mối tiếp nhận hồ sơ dự án, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả kịp thời cho nhà đầu tư, doanh nghiệp về các thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; theo dõi, đôn đốc quá trình xử lý hồ sơ; tổng hợp, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên và đột xuất.

Theo dõi tình hình triển khai các dự án đầu tư, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Thiết lập hệ thống thông tin đối thoại giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan hành chính tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh; đầu mối tiếp nhận, tổng hợp và phản ánh kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp; đề xuất UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan kịp thời xử lý kiến nghị, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

c) Được tham dự các cuộc họp, làm việc do UBND tỉnh và các sở, ngành cấp tỉnh tổ chức liên quan đến dự án đầu tư và xử lý kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

d) Triển khai hoạt động kết nối doanh nghiệp; là đầu mối hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về lựa chọn địa điểm, dự án, thủ tục liên quan đến đầu tư, đăng ký doanh nghiệp và các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp.

đ) Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, quản trị doanh nghiệp, khởi nghiệp,…và cập nhật thông tin, kỹ năng xúc tiến đầu tư cho các đối tượng có nhu cầu trong tỉnh.

e) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp của tỉnh; Hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư về việc tiếp cận các nguồn lực đầu tư, các chương trình ứng dụng khoa học công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh

 2. Về xúc tiến đầu tư:

a) Chủ trì làm đầu mối vận động, xúc tiến nhằm thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào tỉnh Hà Tĩnh.

b) Tổng hợp các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh cung cấp cho các nhà đầu tư.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư  xây dựng chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư (bao gồm danh mục dự án kêu gọi đầu tư) hàng năm, dài hạn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

d) Tiếp đón, hướng dẫn các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh. Phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xúc tiến đầu tư.

đ) Biên tập và phát hành các tài liệu giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phổ biến chính sách, pháp luật, hướng dẫn thực hiện các thủ tục hành chính     để triển khai đầu tư tại tỉnh.

e) Tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư do các Bộ, ngành tổ chức; giữ mối quan hệ chặt chẽ với các Trung tâm Xúc tiến đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan Xúc tiến đầu tư của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức xúc tiến đầu tư, thương mại nước ngoài tại Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Tĩnh.

3. Về triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Hà Tĩnh.

a) Chủ trì triển khai khảo sát DDCI.

b) Xây dựng Kế hoạch khảo sát DDCI hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch.

c) Chủ trì tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát DDCI.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bổ sung, hoàn thiện Bộ chỉ số DDCI.

đ) Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND huyện, thành phố, thị xã. 

4. Về nhiệm vụ, quyền hạn khác:

a) Được tham dự các phiên họp định kỳ và đột xuất của UBND tỉnh.

b) Được cung cấp và thu phí các hoạt động dịch vụ khi nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tượng khác có yêu cầu theo quy định.

c) Được đề nghị các cơ quan liên quan trên địa bàn cung cấp thông tin.

d) Quản lý tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh.

đ) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh giao.


TTXTĐT