27/08/2021 14:19:43
Hương Sơn - Tiềm năng lợi thế

I. Vị trí địa lý, đặc điểm địa hình

Hương Sơn là huyện trung du, miền núi nằm về phía Tây bắc của tỉnh Hà Tĩnh. Phía Đông giáp huyện Đức Thọ; Phía Tây giáp tỉnh Bôlykhămxay của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (có đường biên giới dài 63,927 km); Phía Nam giáp huyện Vũ Quang; Phía Bắc giáp huyện Thanh Chương và huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Huyện có 25 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 02 thị trấn và 23 xã. Dân số trung bình 112.250 người (trong đó: 55.357 nam, 56.893 nữ).

Địa hình có xu hướng thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, cao nhất là núi Bà Mụ (1.357m) trên biên giới Việt Lào. Địa hình đồi núi xen đồng bằng thung lũng bị chia cắt bởi 2 hệ thống sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu và một số lưu vực khác nên hình thành ba vùng địa hình khá rõ rệt: Vùng núi cao, vùng bán sơn địa và thung lũng đồng bằng dọc theo các lưu vực sông. Vùng núi cao, vùng bán sơn địa chiếm hơn 3/4 diện tích tự nhiên của huyện. Độ cao trung bình khoảng 600 - 700 m rất thuận lợi cho việc phát triển ngành lâm nghiệp.

Bản đồ địa giới hành chính huyện Hương Sơn

II. Tiềm năng, lợi thế

1. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên - khoáng sản

Hương Sơn có diện tích tự nhiên là 109.679,49 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 99.963,63 ha (đất sản xuất nông nghiệp 16.481,72 ha; đất lâm nghiệp 82.985,37 ha; đất nuôi trồng thủy sản 287,52ha); đất phi nông nghiệp: 6.852,63 ha; đất chưa sử dụng 23.863,23 ha.

Nguồn nước tự nhiên rất dồi dào, vừa đáp ứng phục vụ nước cho sản xuất và sinh hoạt; bên cạnh đó cũng là những cảnh quan du lịch tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng.

Có các loại khoáng sản như: Quặng sắt tại xã Sơn Trường; quặng sắt Limonit, thiếc tại xã Sơn Kim 1; than đá tại xã An Hòa Thịnh (Sơn Thịnh cũ); đá vôi tại xã Sơn Lâm; vàng tại xã Quang Diệm (Sơn Quang cũ), Sơn Tây; Sericit tại xã Sơn Bình, Sơn Long, Sơn Trà; đặc biệt có suối nước khoáng (độ sâu trên 1.000m, nhiệt độ 1000c) có trữ lượng lớn tại xã Sơn Kim 1 và một số vật liệu xây dựng thông thường khác.

2. Điều kiện kinh tế

Những năm qua kinh tế Hương Sơn có bước phát triển khá nhanh, khá bền vững, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 12,38%.; Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 29,39%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng 30,15%; thương mại, dịch vụ 40,46%; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,5 triệu đồng/người. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội bình quân hàng năm trên 1.200 tỷ đồng; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường khá đồng bộ. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả tích cực; đến nay, có 23/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 01 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay cơ bản đạt 9/9 tiêu chí.

3. Nguồn nhân lực

 Người dân Hương Sơn cần cù, chịu khó và sáng tạo trong sản xuất. Toàn huyện có 64.229 người tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 57,22%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 66,06%; lao động trong các ngành Nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 43,89%; ngành công nghiệp, xây chiếm 21,92%; Thương mại, dịch vụ chiếm 34,19%.

4. Lợi thế về giao thông

Hương Sơn có vị trí kinh tế khá thuận lợi, nối Việt Nam với Lào rồi sang các nước ASEAN. Huyện có hệ thống đường bộ dài gần 1.901 km. Trong đó: Quốc lộ 8 dài 66 km; đường Hồ Chí Minh dài 20 km; Quốc lộ 8C dài 50 km; Quốc lộ 281 dài 14 km; đường huyện 197,8 km; đường trục xã, liên xã 160,5 km, đường trục thôn xóm 517,8 km, đường ngõ xóm và trục chính nội đồng 938,5km. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa thông thương trao đổi với với các tỉnh trong vùng và cả nước, mở rộng buôn bán với Lào và các tỉnh Đông bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

5. Tiềm năng lợi thế về phát triển nông nghiệp

Hương Sơn có tiềm năng thế mạnh về phát triển nông nghiệp; toàn huyện có trên 1.570,84 ha đất đồi núi chưa sử dụng nên có nhiều khả năng mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả và cây lâm nghiệp. Huyện có nhiều vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng thích nghi với nhiều cây trồng, vật nuôi sẽ tạo đà phát triển ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, cụ thể như:

- Cây ăn quả: Tập trung phát triển cam bù, cam chanh, ngoài ra phát triển đa dạng các loại cây ăn quả truyền thống, có chất lượng cao như quýt, bưởi, cam đường, cam sành, mít, chuối.

+ Cam bù: Là giống cây ăn quả đặc thù của Hương Sơn, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, chín vào dịp Tết cổ truyền Việt Nam, đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu (giá bán 30.000 - 70.000 đồng/kg). Định hướng mở rộng vùng tập trung (Sơn Trường, Kim Hoa, Sơn Hàm); chú trọng bảo tồn nguồn gen, công tác giống, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, tính đồng đều của sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho cam bù Hương Sơn; hình thành các HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết với doanh nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ. 

+ Cam chanh: Cam chanh trồng trên đất Hương Sơn có chất lượng ngon (giá bán 30.000 - 40.000 đồng/kg), khả năng thích ứng rộng. Cần tập trung phát triển tại các vùng đồi núi, bán sơn địa; chú trọng công tác giống, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, tính đồng đều của sản phẩm; đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc; hình thành các HTX sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết với doanh nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ.

- Hươu sao: Là vật nuôi truyền thống, đặc thù của huyện; sản phẩm nhung hươu và con giống đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu, đang xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nhung hươu. Định hướng phát triển theo hướng mở rộng quy mô chăn nuôi nông hộ 10 - 30 con/hộ; xây dựng Trung tâm Hươu giống quốc gia để bảo tồn, nhân giống nâng cao chất lượng đàn; thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm từ hươu để liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân. Tháng 2/2019 sản phẩm nhung hươu đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, cùng với Luật Chăn nuôi quy định hươu là đối tượng vật nuôi, tạo hành lang pháp lý cho phát triển, chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu.

- Chè: Sản phẩm chè Tây Sơn có thị trường xuất khẩu ổn định, đã được chứng nhận VietGAP. Định hướng tiếp tục mở rộng diện tích trong vùng tập trung tại Sơn Tây, Sơn Kim 2, Sơn Kim 1; quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

- Dược liệu: Là quê hương của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, có nhiều loại dược liệu tự nhiên. Định hướng phát triển đa dạng các loài dược liệu, khai thác có hiệu quả đất rừng (ưu tiên trồng dược liệu dưới tán rừng); liên kết với các doanh nghiệp gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; từng bước khôi phục và phát triển ngành Đông y gắn với du lịch nghĩ dưỡng, chữa bệnh.

- Gỗ nguyên liệu: Bảo vệ nghiêm ngặt 64.000 ha rừng tự nhiên, khoanh nuôi, xúc tiến, tái sinh làm giàu rừng (gần 20.000 ha của Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC); sử dụng có hiệu quả 14.000 ha rừng trồng, từng bước thay thế rừng gỗ nhỏ (keo) bằng rừng gỗ lớn (lim xanh, de, dổi, cồng trắng...)

- Ngoài ra còn phát triển các loại cây trồng vật nuôi khác như lợn, bò thịt, bò sữa, gia cầm... theo nhu cầu thị trường.

- Đối với diện tích trồng cây hàng năm, ổn định khoảng 4.000 ha lúa để đảm bảo nhu cầu lượng thực; chuyển đổi khoảng 500 ha lúa sang màu, thức ăn chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất màu khoảng 3.800 ha chuyển đổi linh hoạt giữa cây lạc, đậu, ngô, thức ăn chăn nuôi theo nhu cầu thị trường hoặc đáp ứng nhu cầu thức ăn cho gia súc.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện như: Dự án Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Sơn Tây của Công ty TNHH BATO Việt Nam, Dự án Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng VBE Hà Tĩnh tại Cụm Công nghiệp Khe Cò ...

6. Tiềm năng lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:      

Với điều kiện thuận lợi về nguyên vật liệu cũng như địa hình, trên địa bàn huyện đã quy hoạch cụm Công nghiệp Khe Cò với diện tích hơn 18 ha; khu Công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị sinh thái Đá Mồng với quy mô 490 ha, Khu Công nghiệp, thương mại và đô thị Hà Tân quy hoạch dọc theo Quốc lộ 8A từ cầu Hà Tân lên Đại Kim (Sơn Kim 1) với quy mô 200 ha; khu Công nghiệp Đại Kim với quy mô 26 ha; Cụm công nghiệp Quang Diệm (đã tích hợp trong quy hoạch của tỉnh Hà Tĩnh đang trình Chính phủ phê duyệt); Khu du lịch tâm linh Hải Thượng Lãn Ông, Suối nước nóng Sơn Kim và các quy hoạch chi tiết của 23/23 xã theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Địa bàn huyện phù hợp phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản như nhung hươu, chè, lạc, đậu, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thức ăn gia súc; chế biến gỗ, bột giấy, mộc dân dụng, mây tre đan; sản xuất và lắp ráp các sản phẩm máy móc hạng nhẹ, hàng điện tử, gia dụng; công nghiệp khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng ..., hiện nay, Cụm công nghiệp Khe Cò đã có một số doanh nghiệp đầu tư như: Gạch không nung của Công ty TNHH Thành Nhân, Nhà máy may công nghiệp của Công ty Cổ phần may Hương Sơn, Dự án Nhà máy chế biến gỗ rừng trồng VBE Hà Tĩnh ...

7. Lợi thế về Du lịch và Thương mại - Dịch vụ:

Hương Sơn là vùng quê có vị trí thuận lợi nằm ở tuyến hành lang Đông - Tây nối Việt Nam với các nước ASEAN, là huyện có tiềm năng du lịch khá phong phú, đặc biệt là tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch văn hóa ẩm thực.

Vùng đất Hương Sơn có đủ các loại rừng núi đồi trọc, có rừng rậm đại ngàn, có rừng thưa, thiên nhiên hùng vĩ đã tạo cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Dãy núi Thiên Nhẫn chạy dọc theo bờ sông Ngàn Phố, là địa hình che chắn phía bắc của huyện, nơi có nhiều ngọn núi nhô lên tròn trịa như chiếc nhẫn, có những địa điểm núi chồng núi tạo nên những hình ảnh đẹp; Thành Lục Niên, Giáo Nước Đổ là địa bàn xưa Lê Lợi và Nguyễn Trãi chọn làm nơi đóng quân đề chống giặc Minh xâm lược; dãy Thiên Mụ là dãy núi dài và đẹp nhất của huyện kéo dài từ phía tây Trường Sơn, là biên giới nối Việt Nam với nước bạn Lào; Hương Sơn còn có suối nước nóng mà khi nhắc đến ta biết đó là Khu nước khoáng Sơn Kim; con sông Ngàn phố bắt nguồn từ vùng núi Giăng Màn thuộc dãy núi Trường Sơn ven biên giới Việt - Lào chảy theo hướng Tây - Đông tới ngã ba Tam Soa nơi hợp lưu với sông Ngàn Sâu để tạo thành sông La có chiều dài khoảng 72 km. Sông Ngàn Phố bốn mùa nước chảy hiền hòa với cảnh quan thơ mộng, hữu tình đã tạo nên hai bên bờ tả ngạn và hữu ngạn những làng quê yên ả với đồng lúa, bãi ngô, đồi chè xanh biếc ngút ngàn, có nhiều làng nghề thủ công như: Nghề đan làng Chinh Xá (Sơn Thịnh cũ nay là xã An Hòa Thịnh), làng mộc Xa Lang (Sơn Tân cũ nay là xã Tân Mỹ Hà)… Bên cạnh đó, Hương Sơn còn có nhiều hồ đập, danh thắng rất đẹp điển hình là đập Cao Thắng, thác Xai Phố.

Thiên nhiên và con người nơi đây trong quá trình phát triển của lịch sử đã tạo nên một miền quê hội tụ nhiều di tích lịch sử văn hóa. Vùng đất này có trên 80 di tích lịch sử đền, chùa, nhà thờ các danh nhân, trong đó có 34 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, có 11 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 01 lễ hội được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điển hình là di tích mộ và nhà thờ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác; mộ, nhà thờ Khai quốc công thần Nguyễn Tuấn Thiện, Nguyễn Lỗi; di tích danh tướng Cao Thắng, Lê Hầu Tạo; di tích tâm linh tín ngưỡng có chùa Tượng Sơn, đền Đức Mẹ, đền Bạch Vân - chùa Thịnh Xá, chùa Nhiễu Long … là những di tích có giá trị phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh cho du khách khi có dịp đến với vùng quê Hương Sơn.

Những năm tới huyện Hương Sơn mong muốn sẽ thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch tiềm năng như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh, du lịch tâm linh, chứng tích lịch sử văn hóa. Khuyến khích phát triển loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng ... Hình thành các khu, cụm du lịch trọng điểm; xây dựng các tour du lịch kết nối với du lịch tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và các vùng phụ cận./.


Đức Hoàng/XTĐT