31/08/2021 14:19:15
Hương Khê - Tiềm năng lợi thế

1. Khái quát tình hình kinh tế - xã hội:

 - Hương Khê là huyện miền núi, nằm phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp các huyện: Vũ Quang, Can Lộc; phía Nam giáp huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình; phía Đông giáp các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên; phía Tây giáp huyện Nakai, tỉnh Khăm Muộn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên 126.273ha, trong đó: Hơn 100 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 80%.

- Toàn huyện, có 20 xã và 01 thị trấn, với 221 đơn vị cấp thôn, dân số trên 98 nghìn người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ trên 58%. Trên địa bàn huyện có 03 tuyến quốc lộ chính đi qua, bao gồm: Đường sắt Bắc - Nam (tổng chiều dài trên 40 km, với 05 ga, trong đó ga Hương Phố là điểm dừng của tất cả các đoàn tàu Nam - Bắc), đường Hồ Chí Minh (41km), Quốc lộ 15A (34km), tạo điều kiện thuận lợi để liên kết vùng, là cầu nối giao thông quan trọng với các địa phương trong tỉnh, trong vùng và cả nước. Hương Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trong vùng phát triển kinh tế Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình theo Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 02/6/2014.

- Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của tỉnh nhà, kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 15,1%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 46,3 triệu đồng, tăng gần 1,7 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 36,11%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 36,17%; thương mại - dịch vụ đạt 227,72%. Đến nay, đã có 12 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt kiểu mẫu; năm 2021, tiếp tục phấn đấu thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên.

- Từ năm 2016 đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội trên 10.000 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách trên 6.000 tỷ đồng, tập trung xây dựng hàng trăm km đường giao thông, hệ thống cầu qua sông Ngàn Sâu, Nhà máy nước và các công trình hạ tầng xã hội khác, nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân và đảm bảo an ninh - quốc phòng; ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư phát triển sản xuất, với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng hồ sơ chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm, như: Dự án cải thiện hạ tầng đô thị thị trấn Hương Khê từ nguốn vốn AFD của Pháp, đường tỉnh lộ ĐT553, đường Huyện lộ 1, đường huyện lộ 5,  ...; kêu gọi Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamik đầu dự án phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt với diện tích 342 ha. Trong nông nghiệp, đã chuyển dần từ hình thức nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn; đến nay, toàn huyện có trên 3.284 mô hình, trong đó có 117 mô hình có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

2. Một số tiềm năng, lợi thế cụ thể:

Với xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, huyện Hương Khê mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của huyện để đầu tư trên tất cả các lĩnh vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. UBND huyện Hương Khê xin giới thiệu một số tiềm năng, lợi thế có thể đầu tư phát triển, cụ thể:

2.1. Tiềm năng rừng

Với hơn 100 nghìn ha đất lâm nghiệp chiếm hơn 80% diện tích tự nhiên, trong đó: rừng tự nhiên có trên 47 nghìn ha, với nhiều chủng loại cây gỗ quý hiếm, như: lim, sến, vàng tâm, ...; rừng sản xuất: có trên 53 nghìn ha, trong thời gian qua, cơ bản đã thực hiện giao đất, giao rừng cho các hộ dân để tập trung trồng rừng nguyên liệu,..., là điều kiện thuận lợi để đầu tư các nhà máy chế biến gỗ. Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm phù hợp phát triển trồng các loại cây dược liệu như: Ba kích, Cà gai leo, Gừng, Mộc hoa trắng,...

2.2. Tiềm năng phát triển chăn nuôi

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 08/5/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXVIII “về tập trung lãnh đạo phát triển chăn nuôi đến năm 2015 và những năm tiếp theo” thời gian qua các cấp, các ngành quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách và có sự tập trung chỉ đạo, đầu tư nguồn lực phát triển chăn nuôi; đã quy hoạch 390 ha đất cho các vùng chăn nuôi tập trung, đồng thời kêu gọi đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng vào các khu chăn nuôi tập trung; quy hoạch 489 ha diện tích đất trồng cỏ chăn nuôi.

Những năm gần đây, các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chuyển dần sang phát triển chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại, liên kết với doanh nghiệp. Trên địa bàn huyện, hiện có 26 mô hình chăn nuôi lợn tập trung, quy mô từ 300 con trở lên, trong đó có 02 trại lợn nái ngoại sinh sản quy mô 600 con/cơ sở. Từ năm 2015 đến nay, hàng năm tổng đàn các loại vật nuôi chủ lực đều tăng, trong đó: Đàn bò trên 16 nghìn con; đàn lợn gần 40 nghìn con; đàn hươu hơn 1,2 nghìn con, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm khoảng 44%.

Toàn huyện, có 157 hồ đập thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có một số hồ, đập lớn, như; Sông Tiêm, Đá Hàn, Khe Táy, Họ Võ, Khe Con, Đá Bạc, ...; có nhiều sông, suối, ao, hồ là lợi thế để phát triển nuôi trồng các loại thủy sản nước ngọt; một số nơi có khí hậu thích hợp để phát triển các loại thủy sản đặc sản, như: Ba ba, cá leo, cá lăng,...

2.3. Tiềm năng phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp:

Hương Khê có trên 14 nghìn ha đất nông nghiệp, với điều kiện thổ nhưỡng đất đai màu mỡ, tầng đất canh tác dày và được phân bố trong địa hình lòng chảo, bao bọc bởi 2 dãy núi Trường Sơn và Trà Sơn là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp tập trung có quy mô lớn. Đặc biệt, để phát triển các loại cây đặc sản, như: Bưởi Phúc Trạch, cam, quýt…, trong đó thương hiệu bưởi Phúc Trạch và cam Khe Mây có vị ngọt đặc trưng, thơm ngon nổi tiếng chỉ trồng được trên vùng đất Hương Khê; hiện nay diện tích bưởi Phúc Trạch trên 2.700 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm thu hoạch gần 1.700 ha; diện tích cam các loại hơn 2.000 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm thu hoạch gần 1.500 ha.

Ngoài ra, với đặc điểm khí hậu phù hợp để trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, như: Chè, cao su,...; đồng thời huyện cũng là địa phương hàng năm có sản lượng các loại cây ngắn ngày chiếm tỷ trọng cao trong tỉnh, như: Đậu xanh trên 3.000 tấn/năm; lạc trên 5.000 tấn/năm; ngô trên 7.000 tấn/năm.

Đây là điều kiện thuận lợi để đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.

2.4. Tiềm năng về Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Địa bàn huyện có lợi thế về giao thông, như: Đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, đường Quốc lộ 15A và đường sông Ngàn Sâu tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa. Dân số trong độ tuổi lao động gần 57 nghìn người, chiếm tỷ lệ trên 58%; người dân cần cù, chịu khó và giá nhân công thấp là điều kiện đáp ứng nguồn lực lao động. Hiện nay huyện đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cụm Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Gia Phố với diện tích trên 11 ha.

Với điều kiện giao thông thuận lợi, diện tích đất đai rộng, tài nguyên rừng phong phú, số lượng lao động dồi dào là điều kiện để phát triển nhanh các ngành CN-TTCN chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ; chế biến, bảo quản các sản phẩm lợi thế của huyện...  

2.5. Tiềm năng trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch

 Với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, Hương Khê có điều kiện kết nối với vườn Quốc gia Vũ Quang, Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo - Hương Sơn, Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo - Quảng Bình, Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc - Can Lộc, Khu Công nghiệp và Cảng nước sâu Vũng Áng, Khu Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình và nước bạn Lào. Trong thời gian tới, khi Tỉnh lộ 553 từ Hương Khê đi Cẩm Xuyên hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là cầu nối trực tiếp với bãi biển Thiên Cầm - Cẩm Xuyên và Hương Khê sẽ là điểm đến trong Tua du lịch của quý khách.

Là huyện có 23 di tích được xếp hạng (cấp Quốc gia 5, cấp tỉnh 18) và có một trung tâm Phật giáo. Mỗi di tích gắn với mốc son lịch sử các giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước. Nhiều di tích đã trở thành những địa điểm tham quan, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của Nhân dân và du khách thập phương; với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thơ mộng như: Thác Vũ Môn, thác Rào Rồng, hồ Bình Sơn, đập Họ Võ, đập Đá Hàn, đập Bãi Dài,…; nhiều đỉnh núi cao trên dãy Trường Sơn, như: Núi Vụ Thấp, núi Thống Lĩnh, núi Phù Lê, núi Giăng Màn,…, trong đó, thác Vũ Môn nằm trên dãy núi Giăng Màn, về phía Tây Nam ở độ cao 1.280m so với mực nước biển, chiều cao của thác hơn 200m, thác có 4 cấp nước, độ cao cấp nước chênh nhau tương đối lớn 25m-86m, lòng thác rộng 27,5m lượng nước nhiều quanh năm không khi nào cạn. Tại đỉnh thác ngược về hướng về phía nước Lào là một nhánh của sông Đá Trắng, hai bên đồi thoải, tương đối bằng phẳng, diện tích mỗi bên khoảng 70 ha chạy dọc theo chiều dài đến cột mốc biên giới với nước bạn Lào. Ở đây trở nên huyền bí và kỳ vĩ với truyền thuyết "Cá Chép hóa Rồng”, "Mồng bảy cá đi ăn thề/Mồng tám cá về vượt Thác Vũ Môn"; là một trong ba điểm thời thuộc Pháp đã được khảo sát, nhiệt độ quanh năm mát mẻ và được mệnh danh: "Nhất Đà Lạt, Nhì Sa Pa, Tam Dinh Thuật” - Dinh Thuật chính là Vũ Môn huyền thoại. 

* Một số thông tin cụ thể về Thác Vũ Môn.   

- Vị trí địa lý: Thác Vũ Môn nằm ở tọa độ: 1807 Vĩ Bắc; 105023 Kinh Đông; bên phải Thác cách biên giới Việt - Lào điểm gần nhất: 800m; điểm xa nhất khoảng 1.700m; Thác có 3 tầng nước với độ dài dòng chảy từ đỉnh thác đến hồ chứa nước ở chân Thác thứ 4: khoảng trên 200m; trong đó:

+ Tầng 1: Có độ dài khoảng: 80m (dòng nước chảy thành 2 bậc);

+ Tầng 2: Có độ dài khoảng: 70m (dòng nước chảy thành 2 bậc);

+ Tầng 3: Có độ dài khoảng: 60m (phía dưới chân Thác có một hồ rộng khoảng 350m2, độ sâu khoảng từ 1,2-1,5m);

- Chân thác (hồ nước ở chân tầng 1): Có độ cao là 1.035m so với mực nước biển.

- Đỉnh Thác (điểm đầu của Thác tầng 3): Có độ cao là 1.280m so với mực nước biển.

- Khí tượng, thủy văn:

+ Nhiệt độ đo được vào lúc 5 giờ sáng là 21oC, độ ẩm là 88%;

+ Nhiệt độ đo được vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 06/8/2016 trên đỉnh thác là 28oC (nhiệt độ tại Thị trấn Hương Khê thời điểm đó là khoảng 35oC).

+ Nhiệt độ đo được vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 06/8/2016 ở chân thác là 30oC (nhiệt độ tại Thị trấn Hương Khê thời điểm đó là khoảng 39oC).

+ Nhiệt độ đo được vào lúc 17 giờ là 27oC, độ ẩm 86%;

+ Nhiệt độ đo được vào lúc 21 giờ là 25oC, độ ẩm là 87%; 

- Nhiệt độ đo được vào lúc 01 giờ sáng, ngày 06/8/2016, nhiệt độ đo được là 19oC);

- Tài nguyên:

+ Trên đỉnh thác là dòng sông chảy hiền hòa, rộng khoảng 30m bắt nguồn từ đỉnh núi Giăng Màn có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển. Dòng sông này cung cấp nguồn nước cho Thác bắt nguồn từ nước bạn Lào chảy về;

+ Nhiệt độ đo tại thác nước vào khoảng 180c; nước tung bọt trắng xóa; dòng chảy của Thác tạo âm thanh, đứng cách Thác khoảng 1km có thể nghe được tiếng nước chảy.

+ Xung quanh khu vực Thác Vũ Môn là rừng nguyên sinh với nhiều loài cây gỗ quý, hiếm như: Lim, sến, tùng, bách, táu; đặc biệt có những cây tùng có đường kính trên 1,0m.

+ Trên đỉnh Thác là vùng đất rộng khoảng 500 ha; trong đó có khoảng 70ha đất bằng; đang còn rừng nguyên sinh.

 Nếu được đầu tư bài bản, Vũ Môn chắc chắn sẽ là một điểm đến đầy hấp dẫn của du khách thập phương; kết hợp với những di tích văn hóa trên địa bàn huyện Hương Khê như Đền Trầm Lâm, Thành Sơn Phòng-Hàm Nghi, Rôộc Cồn, Đền Trụ và Thác Rào rồng … đây sẽ là một tua du lịch lý thú, đa dạng kết hợp giữa du lịch tâm linh và du lịch khám phá và nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, với những thuận lợi về giao thông của huyện Hương Khê (cả về đường sắt và đường bộ), Thác Vũ Môn hoàn toàn có thể là một điểm đến trong các tour du lịch của Hà Tĩnh.

- Về chủ trương:

+ Văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/12/2017 ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 540-CTr/TU ngày 20/3/2017 về thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 06/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành linh tế mũi nhọn; Ban Thường vụ Huyện ủy Hương Khê ban hành Chương trình hành động số 1216/CTr-HU ngày 21/3/2018 thực hiện nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; UBND huyện Hương Khê ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 04/5/2018 thực hiện Chương trình hành động số 1216/CTr-HU ngày 21/3/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về ”Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”.

+ Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: Để từng bước hoàn thiện thệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện, UBND huyện Hương Khê đã đề xuất và UBND tỉnh có Văn bản số 4957 /UBND-GT1 ngày 3/8/2021 đồng ý chủ trương cho phép UBND huyện Hương Khê phối hợp với các Sở, ngành liên quan để đề xuất dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đường giao thông bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ rừng, phát huy tiềm năng, lợi thế thác Vũ Môn, (từ đường Hồ Chí Minh đến Chân Trụt xóm Phú Lâm, xã Phú Gia - chân thác Vũ Môn), có chiều dài gần 24 km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 375 tỷ đồng. Công trình hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, kết hợp bảo vệ phát triển rừng và khai thác du lịch sinh thái thác Vũ Môn, huyện Hương Khê.

UBND huyện Hương Khê cam kết, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất, có các cơ chế, chính sách và với thái độ quyết liệt, tập trung để doanh nghiệp yên tâm đến với Hương Khê để cùng hợp tác và phát triển.


Đức Hoàng/XTĐT