Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2025; với quan điểm tiếp tục tập trung thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 02/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các chương trình hành động của Chính phủ về Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;
Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh làm việc với các dự án trọng điểm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Nhà đầu tư
Thực hiện các Nghị quyết số 02/NQ-CP hàng năm của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và các chương trình, kế hoạch của Hà Tĩnh triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, định hướng tại các chủ trương trên. Thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, tạo liên kết chuỗi sản xuất,… đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp sau thép, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng - điện, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kết cấu hạ tầng,… Đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư; đan xen lợi ích trong hợp tác đầu tư nước ngoài và kết nối với khu vực kinh tế trong nước; phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Hà Tĩnh đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư FDI - Ảnh Viết Cương
Mục tiêu năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu thu hút trên 30 dự án với tổng mức đầu tư trong nước khoảng 30.000 tỷ đồng và thu hút FDI khoảng 150 triệu USD, trên cơ sở những dự án đang xúc tiến như: Khu công nghiệp phía Tây thành phố Hà Tĩnh; Khu công nghiệp Hạ Vàng; Khu công nghiệp Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh; Khu công nghiệp Bắc Hồng Lĩnh; Nhà ở xã hội tại phường Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh; Trung tâm kho cảng LNG tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh; hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp; Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây Nam, huyện Thạch Hà...
Cùng đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn lớn trong nước, đặc biệt là các công ty, tập đoàn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh, các đối tác tiềm năng nước ngoài có thể mạnh về vốn, công nghệ như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia thuộc khu vực EU.
Nhà máy luyện cán thép và Cảng nước sâu Sơn Dương là dự án FDI lớn phát huy hiệu quả tại Hà Tĩnh - Ảnh Viết Cương
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm cao nhất cả nước. Các chỉ số như: Cải cách hành chính (PAR INDEX), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) được cải thiện và nâng cao về thứ hạng so với năm trước liền kề.
Chương trình xúc tiến đầu tư 2025 bao gồm các hoạt động thuộc 8 nhóm với nội dung cụ thể: nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng, đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư; xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư; đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư.
Tăng cường các hoạt động “xúc tiến đầu tư tại chỗ” - ảnh Viết Cương
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Tài chính (Trung tâm Dịch vụ tài chính và Hỗ trợ doanh nghiệp) là cơ quan thường trực theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, tổng hợp báo cáo định kỳ theo đúng quy định; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, các đơn vị có liên quan làm việc và phối hợp với Vụ Đầu tư, các Trung tâm xúc tiến đầu tư của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Chương trình này đảm bảo có hiệu quả.
File đính kèm:tin, ảnh: Trần Nguyễn Huỳnh, Viết Cương