23/12/2024
Kết quả Công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp năm 2024 và giải pháp năm 2025

Năm 2024, công tác thu hút đầu tư, triển khai các dự án lớn trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, công tác phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đạt khá, thành lập mới 1.250 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, nâng tổng số lên gần 12.500 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc trên toàn tỉnh; chấp thuận chủ trương 22 dự án đầu tư tổng vốn hơn 24.800 tỷ đồng (tăng 1 dự án và gấp 6,4 lần vốn đăng ký so với năm 2023); tăng cường kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu các dự án như: sản xuất ô tô điện, năng lượng, điện tử, phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, giáo dục, du lịch... Tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II cơ bản hoàn thành, chuẩn bị vận hành Tổ máy số 1; Nhà máy Pin Lithium đang vận hành thử sản xuất cell pin ô tô điện; dự án nhà máy sản xuất ô tô điện được chấp thuận chủ trương đầu tư và khởi động; dự án KCN VSIP đã khởi công xây dựng; KCN Vinhomes Vũng Áng, KCN Gia Lách mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Các kết quả trên cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh, sự đồng lòng, quyết tâm từ Lãnh đạo tỉnh và các ngành, địa phương; từ cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân.

Công tác Xúc tiến đầu tư

Thành công của Hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh năm 2023 đã tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Năm 2024, tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về Quy hoạch tỉnh đến với nhà đầu tư trong nước, quốc tế; thông qua các hoạt động ngoại giao của Lãnh đạo Trung ương, Lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, tổ chức ngoại giao, đầu tư của Việt Nam ở nước ngoài và các nước tại Việt Nam để tập trung mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, có năng lực, kinh nghiệm ở các nước, khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Châu Âu, Hoa Kỳ… đến nghiên cứu, khảo sát đầu tư các dự án, lĩnh vực mà Hà Tĩnh tập trung như: hạ tầng công nghiệp, năng lượng, logistic, công nghiệp ô tô… Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, kịp thời giải phóng, bàn giao mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các dự án trong quá trình triển khai... sẽ là cơ hội để các dự án được đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào vận hành, khai thác.

Năm 2024, chấp thuận chủ trương 22 dự án đầu tư tổng vốn hơn 24.800 tỷ đồng (tăng 1 dự án và gấp 6,4 lần vốn đăng ký so với năm 2023); lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có hơn 1.550 dự án quy mô 517.000 tỷ đồng; trong đó có hơn 1.480 dự án trong nước với tổng mức đầu tư hơn 140.000 tỷ đồng; 71 dự án nước ngoài với tổng mức đầu tư hơn 16,1 tỷ USD.

 

 

Dự án Khu công nghiệp của VSIP Bắc Thạch Hà đã khởi công xây dựng với quy mô hơn 190ha (giai đoạn 1), Dự án Khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng với quy mô hơn 964ha, Dự án Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng với quy mô hơn 194ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ô tô điện được chấp thuận chủ trương đầu tư và khởi động... Bên cạnh đó, các dự án lớn như: KCN phía Tây thành phố Hà Tĩnh, KCN Bắc Hồng Lĩnh, Khu thương mại, dịch vụ, du lịch và thể thao phía Tây huyện Thạch Hà… cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm khảo sát, nghiên cứu đề xuất đầu tư…

Tất cả những dự án lớn trên thể hiện được vị thế của Hà Tĩnh trong thu hút đầu tư, các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, trong nước đang quan tâm đến Hà Tĩnh như là điểm đến đầu tư an toàn và phát triển.

Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp

Xác định doanh nghiệp là động lực quan trọng phát triển KT-XH, chính quyền Hà Tĩnh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 18/01/2024 triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện đảm bảo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 22/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Năm 2024 thành lập mới 1.250 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, nâng tổng số lên gần 12.500 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc trên toàn tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai các dự án được quan tâm; UBND tỉnh đã thành lập các tổ công tác giải giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình nghiên cứu đầu tư, triển khai dự án; các hoạt động đào tạo tập huấn, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tổ chức thực hiện hiệu quả, lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp…

Các hoạt động kích lệ, động viên doanh nghiệp, doanh nhân cũng được tỉnh quan tâm và tổ chức thực hiện thiết thực, ý nghĩa. Năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động tháng Doanh nhân Việt Nam rất sâu sắc, ý nghĩa và được cộng đồng doanh nhân đón nhận. Tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024, Chương trình Cà phê doanh nhân – gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” để đánh giá, ghi nhận những đóng góp của cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp với tỉnh Hà Tĩnh; lắng nghe chia sẽ, đóng góp của doanh nghiệp về những vấn đề vướng mắc, những kế sách trong điều hành, quản lý, cải cách thủ tục hành chính… để đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng…

Tại các hoạt động này, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh ghi nhận, tổng hợp và giao các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan giải quyết, trả lời theo thẩm quyền và tham mưu, báo cáo đề xuất UBND tỉnh và các đơn vị liên quan giải quyết theo đúng quy định đảm bảo các vấn đề được giải quyết kịp thời, tạo môi trường thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, triển khai dự án…

Bên cạnh đó, tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) năm 2024 cũng là hoạt động nhằm đo lường vai trò, trách nhiệm điều hành của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Hà Tĩnh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Giải pháp năm 2025

Nhằm đảm bảo huy động được nguồn lực, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu góp phần thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong năm 2025 cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao, tạo liên kết chuỗi sản xuất… đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh của địa phương, lĩnh vực còn nhiều dư địa để phát triển như: (1) Lĩnh vực công nghiệp: khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch; (2) Lĩnh vực dịch vụ - du lịch: ưu tiên các dự án dịch vụ thuộc lĩnh vực trọng điểm được xác định trong thời kỳ quy hoạch như dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ logistics và các dự án có quy mô lớn, hiện đại, có tính cạnh tranh cao, có sức lan tỏa lớn đến các ngành, lĩnh vực khác; (3) Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng lớn; các dự án có quy mô lớn gắn với tập trung, tích tụ ruộng đất; (4) Lĩnh vực hạ tầng đô thị - nhà ở: ưu tiên thu hút đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở quy mô lớn, đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa tại các đô thị lớn như thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh và các trung tâm đô thị khác có nhu cầu nhà ở cao; đảm bảo phù hợp với Chương trình kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn. 

- Khuyến khích việc chọn lọc các nhà đầu tư: (1) Đối với nhà đầu tư nước ngoài:, khuyến khích các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ; không khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài không có cam kết đầu tư lâu dài tại tỉnh; không cố định theo quốc gia hay đối tác nào mà tùy theo lĩnh vực và công nghệ cụ thể dựa vào sự phát triển của lĩnh vực đó trên thế giới, thế mạnh, thị phần của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị đó để nhận định năng lực đầu tư và mở rộng kinh doanh của nhà đầu tư, khả năng bền vững, hiệu quả của dự án. (2) Đối với các nhà đầu tư trong nước, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư thuộc tập đoàn kinh tế lớn có tiềm lực tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics. Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh thành lập doanh nghiệp mới hoặc mở chi nhánh hạch toán độc lập tại Hà Tĩnh để triển khai các dự án qua đó góp phần tăng thu cho ngân sách địa phương.

- Thu hút các dự án đầu tư có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, phát huy lợi thế so sánh, bảo vệ tốt môi trường, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững, giữ vững trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng.

- Tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác CCHC, cải thiện mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính quyền, thông qua các diễn đàn (đối thoại doanh nghiệp, cà phê doanh nhân…) để doanh nghiệp nói lên các khó khăn trong quá trình hoạt đồng sản xuất kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách. Hiện nay các ý kiến phản ánh qua các cuộc đối thoại về nội dung này chủ yếu là khó khăn trong tiếp cận được chính sách nhất là thủ tục khó khăn vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

- Thực hiện chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện dự án; vận hành hoạt động của tổ công tác UBND tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư

File đính kèm:

Tin Trần Nguyễn Huỳnh, ảnh Viết Cương