18/12/2024
Điểm sáng trong phát triển kinh tế Hà Tĩnh năm 2024

Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2024 bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức; từ tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; nền kinh tế trong nước duy trì xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét hơn nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức; vừa phải ứng phó linh hoạt trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh; thiên tai gây hậu quả nặng nề. Trong bối cảnh đó, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo điều hành, bổ sung những công việc trọng tâm phù hợp thực tiễn tình hình; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi kinh tế, triển khai Quy hoạch tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và triển khai các dự án trọng điểm, triển khai tốt các nhiệm vụ văn hóa xã hội, chăm sóc an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, triển khai tích cực các hoạt động đối ngoại.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng làm việc với Tổng giám đốc Sembcorp Development kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị VSIP Group Lee Ark Boon

Theo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024 trình Hội đồng Nhân dân tỉnh tại kỳ họp 23 khóa XVIII, tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 7,48%, xếp thứ 31/63 cả nước, thứ 8/14 vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trong đó: nông nghiệp đạt 3,8%, công nghiệp - xây dựng đạt 8,2%, dịch vụ đạt 8,06%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7,06%. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đạt 113.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng so với năm 2023; trong đó: công nghiệp - xây dựng chiếm 41,9%; nông nghiệp chiếm 13,4%; dịch vụ chiếm 44,7%.

Sản xuất công nghiệp còn khó khăn nhưng đang dần phục hồi. Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,54%, trong đó: điện sản xuất đạt 9,7 tỷ kWh, tăng 19%; bia đạt 83 triệu lít, tăng 19%; sản phẩm mới pack pin của Nhà máy pin VinES sau năm thứ hai vận hành đạt sản lượng cả năm gần 6.000 pack, đạt 60% kế hoạch; thép đạt 4,5 triệu tấn, giảm 7%. Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp chưa đạt kỳ vọng chủ yếu do sản xuất thép, điện chưa phục hồi ổn định, ngoài nguyên nhân thị trường thép khó khăn còn bởi những yếu tố bất khả kháng do Formosa bảo dưỡng dây chuyền cán nóng, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I bảo dưỡng Tổ máy số 2; nếu loại trừ các yếu tố bất khả kháng này thì công nghiệp có thể tăng 7,49% và tăng trưởng chung của nền kinh tế có thể đạt 8,43% (kế hoạch 8-8,5%).

Tàu vào nhận hàng Cảng Sơn Dương

Các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh đạt nhiều kết quả trong triển khai đầu tư: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II cơ bản hoàn thành, chuẩn bị vận hành Tổ máy số 1; Nhà máy Pin Lithium đang vận hành thử sản xuất cell pin ô tô điện; Dự án nhà máy sản xuất ô tô điện 7.300 tỷ đồng được phê duyệt và khởi công; KCN VSIP khởi công vào tháng 6/2024; KCN Vinhomes Vũng Áng, KCN Gia Lách mở rộng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Dự án đường dây 500 kV mạch 3 hoàn thành toàn tuyến hòa lưới truyền tải điện quốc gia sau 6 tháng thi công. Đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác tổ chức kiểm tra, làm việc với tỉnh và các bên liên quan, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện hồ sơ, đề xuất phương án trình Chính phủ và Bộ Chính trị.

Công tác phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư đạt khá. Thành lập mới 1.250 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, nâng tổng số lên gần 12.500 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc trên toàn tỉnh. Chấp thuận chủ trương 22 dự án đầu tư tổng vốn hơn 24.800 tỷ đồng (tăng 1 dự án và gấp 6,4 lần vốn đăng ký so với năm 2023); tăng cường kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan) nghiên cứu các dự án sản xuất ô tô điện, năng lượng, điện tử, phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, giáo dục, du lịch...

Đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân là kênh giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng, ước đạt 55.524 tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2023 nhờ đóng góp của các dự án lớn khu vực kinh tế nhà nước (cao tốc Bắc Nam, đường dây 500 kV) và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (Nhiệt điện Vũng Áng II, Pin Lithium, VSIP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham quan mô hình KCN VSIP tại Thạch Hà

Quy hoạch tỉnh được tập trung triển khai; tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh đảm bảo thống nhất quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và phương án sắp xếp đơn vị hành chính; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã ký kết tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023.

Từ những kết quả đạt được của năm 2024, nhất là một số động lực tăng trưởng mới từ các dự án đầu tư lớn đang hình thành. Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

Năm 2025 tiếp tục huy động mọi nguồn lực triển khai đồng bộ Quy hoạch tỉnh; triển khai hiệu quả các nội dung đã ký kết tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể; tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông…

Tỉnh Hà Tĩnh đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế năm 2025: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt trên 7%; (2) GRDP bình quân đầu người đạt trên 91 triệu đồng; (3) Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/năm; (4) Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt trên 102 triệu đồng/ha; (5) Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 44.100 tỷ đồng; (6) Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ đô la Mỹ; (7) Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 17.800 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa trên 8.800 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu trên 9.000 tỷ đồng; (8) Thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc.

File đính kèm:

Tin, ảnh: Viết Cương