Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành trong tỉnh, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện rõ rệt; thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả quan trọng.
Các chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có tiến bộ; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 27 cả nước (cải thiện 18 bậc); Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 16 cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) xếp thứ 12 cả nước; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) xếp thứ 24 cả nước.
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm, hợp tác vàtriển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020, đã thu hút được 813 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 32.280 tỷ đồng và 30 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 372 triệu USD. Đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 7.500 doanh nghiệp và 6 vạn hộ kinh doanh; có trên 1.420 dự án đầu tư, trong đó: 1.345 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 117.042 tỷ đồng và 75 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), là một trong những tỉnh đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 13,68 tỷ USD. Bên cạnh đó, huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 164 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư từ khu vực tư nhân tăng khá. Nhiều dự án lớn của các tập đoàn trong nước và ngoài nước đã hoàn thành, đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả kinh tế, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I; Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng; nhà máy bia Sài Gòn công suất 70 triệu lít/năm, nhà máy cọc sợi Hồng Lĩnh; các cầu cảng tại Cảng Vũng Áng; Trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở Vincom Hà Tĩnh, Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa... Hiện nay, đang có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất đầu tư vào Hà Tĩnh như: Công ty Cổ phần Tập đoàn TH nghiên cứu, đề xuất đầu tư các dự án Nông nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh tại khu vực Hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi; Tập đoàn Gami nghiên cứu, khảo sát đầu tư Dự án khu liên hợp sản xuất ô tô và thiết bị phụ trợ tại Khu kinh tế Vũng Áng; Công ty CP Năng lượng Phước Trung nghiên cứu Dự án Nhà máy điện gió Phước Trung 1,2,3; Tập đoàn đầu tư Trương Gia khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy lọc dầu Bitumen và Cảng nhà máy lọc dầu Bitumen VN; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn T&T, Tập đoàn Simen, Tập đoàn Millineum (Hoa Kỳ) đang đề xuất thực hiện dự án Nhà máy điện khí Vũng Áng 3 với công suất 4.800MW và Tổ hợp trung tâm tiếp nhận và phân phối khí hóa lỏng (LNG) với công suất 9,6 triệu m3, VSIP nghiên cứu khảo sát đầu tư hạ tầng KCN- đô thị - dịch vụ….
Những kết quả đạt được trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã tạo ra bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của tỉnh: Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 6%, chất lượng từng bước được nâng lên. Quy mô nền kinh tế cao hơn 1,5 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp còn 12,9%, công nghiệp - xây dựng 45,8%, dịch vụ 41,3%. Tổng thu ngân sách đạt 57.700 tỷ đồng, tăng bình quân 18,2%/năm, trong đó thu nội địa chiếm 58%; tăng tỷ trọng thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cơ cấu thu nội địa; năm 2020 thu ngân sách nhà nước đạt gần 13.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 8.000 tỷ đồng.
Để có được kết quả nêu trên là nhờ công tác cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tập trung rà soát cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính; trong đó nhiều thủ tục được cắt giảm đáng kể thời gian xử lý so với quy định như: Đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng; đăng ký quyền sử dụng đất… Đồng thời, đã thực hiện đổi mới quy trình xử lý văn bản hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý nhà nước. Tỉnh Hà Tĩnh đã đưa Cổng dịch vụ công tỉnh Hà Tĩnh vào hoạt động kết nối liên thông với Cổng dịch vụ quốc gia, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; phần mềm một cửa điện tử được duy trì, hoạt động hiệu quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công các huyện, thành phố, thị xã đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt; là một trong những địa phương đi tiên phong trong công tác vận động xúc tiến đầu tư và có nhiều nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn trong nước biết đến và đầu tư thành công tại Hà Tĩnh Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vẫn còn những hạn chế, yếu kém, đó là; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính; chỉ số cải cách hành chính chưa đạt như kỳ vọng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chưa nhiều; sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng khu, cụm công nghiệp; công tác giải phóng mặt còn gặp nhiều khó khăn; phát triển nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc thu hút đầu tư các dự án lớn trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, du lịch còn hạn chế.
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: “Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước”, Hà Tĩnh tiếp tục xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ tới là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Theo đó, việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, tập trung hoàn chỉnh và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch xây dựng vùng huyện, vùng liên huyện, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định của Luật quy hoạch và luật chuyên ngành để phù hợp với Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt. Khẩn trương triển khai lập và phê duyệt quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch xây dựng chi tiết trong Khu kinh tế VũngÁng; các đô thị: thành phố Hà Tĩnh, Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh… Quy hoạch dọc các hành lang kinh tế, các tuyến giao thông lớn, nhất là khu vực ven biển để làm cơ sở quản lý và thu hút đầu tư. Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh gắn với công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hai là, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.Triển khai hiệu quả Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (bộ chỉ số DDCI); có giải pháp đồng bộ, tổng thể cải thiện các chỉ số thành phần chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành có chỉ số PCI đứng đầu cả nước.
Ba là, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao; sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các dự án công nghiệp cơ khí, chế tạo máy, năng lượng - điện, công nghiệp hỗ trợ sau thép; các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ. Thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư lớn chiến lược để tiếp tục tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI vào Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án; đồng thời phát hiện các sai phạm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định; đối với các dự án nhiều lần vi phạm mà không có giải pháp khắc phục, không có khả năng tiếp tục thực hiện thì sẽ kiên quyết thu hồi theo quy định pháp luật để tạo quỹ đất kêu gọi xúc tiến đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, bình đẳng.
Bốn là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một số cơ chế, chính sách của tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách về ưu đãi đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn như: hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp… Xây dựng mới chính sách đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng và các khu công nghiệp Hà Tĩnh; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025; phương án huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và 2025 - 2030 gắn với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Năm là, huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, trong đó tập trung thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các công trình giao thông huyết mạch có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh; đồng thời kết nối với hệ thống giao thông của quốc gia (Đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam; đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê -Vũng Áng, Đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ…); Đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Các cầu cảng thuộc Cảng Vũng Áng, cảng Sơn Dương; cảng Xuân Hải, cảng Cửa Sót; hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; hạ tầng chợ, trung tâm thương mại; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công trình thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải tại các huyện, thành phố, thị xã, các công trình cấp thoát nước phục vụ các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... nhằm tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Sáu là, nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp trong thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp và nhà đầu tư; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc, kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư và các doanh nghiệp với phương châm.“Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” . Trong thời gian tới với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tin tưởng rằng hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.
File đính kèm:
Nguyễn Hồng Lĩnh - UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh