08/11/2022
MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CỤM CÔNG NGHIỆP NAM HỒNG, THỊ XÃ HỒNG LĨNH, TỈNH HÀ TĨNH

Phát triển bền vững cụm công nghiệp là một yêu cầu tất yếu trong chiến lược phát triển các cụm công nghiệp tại các địa phương. Mặc dù các cụm công nghiệp đã mang lại những kết quả nhất định về kinh tế cho địa phương song thực tế cho thấy trong quá trình phát triển đã bộc lộ nhiều hạn chế nhất định cản trở sự phát triển bền vững. Bài viết đề cập đến việc đánh giá mức độ phát triển bền vững cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh thông qua phân tích các chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển bền vững cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững cụm công nghiệp này trong thời gian tới.

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, địa phương Hà Tĩnh trong những năm qua đã phát triển được 23 cụm công nghiệp (CCN) tại các huyện, thị. Cụm công nghiệp Nam Hồng thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh được thành lập năm 2014 với tổng diện tích 42,92 ha do nhà nước đầu tư trong thời gian qua cũng đã có sự phát triển mạnh khi thu hút nhanh được nhiều dự án, doanh nghiệp (DN) đầu tư với tổng vốn dự án đã đầu tư vào sản xuất là 190 tỷ đồng, tổng lao động tham gia sản xuất là 2700 người. Song bên cạnh đó cũng có các DN dừng sản xuất hoặc chưa sản xuất do có những khó khăn, vướng mắc và có những hạn chế về chất lượng, quy mô… Thêm vào đó, trong quá trình phát triển CCN Nam Hồng cũng gặp phải những vấn đề đặt ra nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững (PTBV) như: tỷ lệ lấp đầy còn thấp, nhiều dự án đầu tư vào các CCN chất lượng không cao (quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu…), lãng phí tài nguyên đất, một số dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào chưa được đầu tư một cách đồng bộ, nhiều vấn đề xã hội đã và đang diễn ra ở CCN…. Việc phát triển CCN này là tất yếu song định hướng phát triển bền vững là một yêu cầu không thể thiếu trong tương lai. Bài viết đánh giá thực trạng PTBV CCN Nam Hồng theo các tiêu chí đánh giá mức độ PTBV để đưa ra những giải pháp phát triển CCN theo hướng bền vững.

Cụm công nghiệp Nam Hồng - Thị xã Hồng Lĩnh (nguồn Internet)

Đánh giá mức độ phát triển bền vững cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh theo các tiêu chí đo lường mức độ phát triển bền vững

Về kinh tế

            Về vị trí quy hoạch xây dựng CCN: CCN Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh được bố trí nằm trong địa bàn phường có lợi thế của thị xã, tiện lợi trong vận chuyển nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Với vị trí trên, CCN Nam Hồng có nhiều điểm mạnh như tận dụng được nguồn nguyên liệu địa phương và dễ dàng xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các tuyến đường chính như Quốc lộ 1A và 8B, ngoài ra còn có tuyến cao tốc Bắc Nam dự kiến cũng vô cùng thuận lợi. CCN Nam Hồng cũng cách sân bay quốc tế Vinh không xa (25km), tuy nhiên việc khai thác vận chuyển hàng hóa trong nước và xuất khẩu bằng đường hàng không chưa khai thác trong hiện tại. Ngoài ra, CCN Nam Hồng cũng dễ dàng tiếp cận và vận chuyển thông qua các cảng biển trong tỉnh như: cảng Sơn Dương, cảng Vũng Áng, cảng xăng dầu LPG Vũng Áng,...

            Về quy mô và tỷ lệ lấp đầy CCN:  

    Bảng 1. Tình hình giải phóng mặt bằng, tỷ lệ lấp đầy của CCN Nam Hồng

 

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh [4,6]

     Hiện tại, CCN Nam Hồng có tỷ lệ lấp đầy lớn nhất so với các CCN khác trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và trong tỉnh (82%). Do vậy, có thể nói CCN có hiệu quả về sử dụng đất đối với chủ đầu tư và hiệu quả KT-XH đối với địa phương. Tuy nhiên, CCN Nam Hồng cũng là 01 trong 02 CCN trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật bằng ngân sách nhà nước nên thiếu đồng bộ. Điều này gây ra những cản trở, khó khăn cho các dự án đầu tư trong CCN.

Cụm công nghiệp Cổng khánh 1 (nguồn Internet)

     Về hiệu quả hoạt động của các DN hoạt động trong CCN Nam Hồng:

     Trong CCN Nam Hồng có 06 dự án đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh. Để đo lường hiệu quả hoạt động của các DN trong CCN bao gồm nhiều tiêu chí sau đây:

     - Chỉ tiêu về doanh thu: Doanh thu bình quân 1 ha của CCN Nam Hồng đạt: 14,49 (tỷ đồng/ha) cao hơn nhiều so với CCN Trung Lương (2,57 tỷ đồng/ha), còn các CCN khác trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh hiện chưa có doanh thu. Điều này có thể thấy hiệu quả sử dụng đất CCN Nam Hồng hiện là tốt nhất.

- Chỉ tiêu về xuất khẩu: Trong CCN Nam Hồng hiện có 02 DN xuất khẩu 100% nhưng thông qua các Tổng công ty, doanh thu xuất khẩu/1ha đạt: 625,86 USD

     - Chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư: So với các CCN khác trên địa bàn thì CCN Nam Hồng đạt chỉ tiêu về thu hút vốn đầu tư khá cao (16,89 tỷ đồng/1ha theo vốn đăng ký và 18,83 tỷ đồng/1 ha theo vốn thực hiện). Tuy nhiên, so với CCN có chủ đầu tư là DN, việc đầu tư hạ tầng CCN trên địa bàn được thực hiện thông qua hình thức xã hội hoá thì còn thấp hơn.

Về sự gia tăng ổn định về sản lượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN CCN: Giá trị sản xuất công nghiệp của CCN Nam Hồng đạt 19,71% giá trị sản xuất công nghiệp của các CCN trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này cũng cho thấy các DN CCN Nam Hồng đã có đóng góp, lan tỏa về kinh tế về quy mô tác động và hiệu quả của sự tác động.

Trình độ công nghệ của các DN và các hoạt động triển khai nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh trong CCN: Đa số các DN, cơ sở sản xuất đang sản xuất kinh doanh trong CCN Nam Hồng có quy mô nhỏ và vừa: bình quân 01 dự án sử dụng 32,26 tỷ đồng vốn và 30 lao động, trong đó các dự án có lượng vốn đầu tư lớn chủ yếu là các DN trong lĩnh vực dệt may…

Mức độ thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư: Hiện việc thuê đất có hạ tầng trong CCN Nam Hồng được thực hiện một lần cho 50 năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN CCN được tiếp cận quyền sử dụng đất một cách lâu dài và cũng góp phần nâng cao năng lực tài chính của các DN CCN. Mức giá thuê đất hiện tại mang tính cạnh tranh đối với các CCN khác trên địa bàn. Tuy nhiên, mức giá thuê đất còn phụ thuộc vào vị trí đất mà các DN thực hiện đầu tư. Mức giá thuê đất/m2/50 năm tại CCN Nam Hồng khoảng 250.000 - 300.000 đồng.

Hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh của DN CCN: Hoạt động liên kết sản xuất kinh doanh của các DN trong CCN vẫn đang còn rất nhiều hạn chế và mức độ liên kết còn rời rạc. Mặt khác, đối với các CCN trên địa bàn cũng chưa có sự liên kết giữa các DN ở các CCN với nhau.

Về xã hội

Về tiêu chí đo lường mức độ bền vững về xã hội trong CCN:

     Tính đến thời điểm 30/6/2022, tổng số lao động hiện có tại CCN Nam Hồng là 2.700 người, đây là CCN có số lượng người lao động lớn nhất so với các CCN khác trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh. Thu nhập bình quân của người lao động trong CCN Nam Hồng là 5,5 triệu đồng/người/tháng. Các đơn vị sử dụng lao động trong CCN Nam Hồng đều thực hiện chế độ bảo hiểm và các quyền lợi khác cho 100% lao động làm việc trong CCN. So với năm 2020, số lao động năm 2022 tăng lên 3,7 lần, tổng thu nhập của người lao động trong CCN Nam Hồng đều tăng và có xu hướng tăng trong các năm tiếp theo, điều đó đã cho thấy CN CCN với tiêu chí này đã đóng góp lớn vào phương hướng PTBV CCN về mặt xã hội.

     Tác động lan tỏa về mặt xã hội của CCN Nam Hồng: Việc tuyển dụng lao động vào làm việc tại CCN Nam Hồng, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây thu hút gần 2000 lao động đã tác động đến cơ cấu lao động địa phương từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất rõ rệt theo hướng giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đời sống của cư dân trong vùng các CCN đã tăng cao hơn bằng cách cung cấp các dịch vụ hỗ trợ các DN CCN về nhà ở cho công nhân, các dịch vụ thiết yếu khác... CCN Nam Hồng cũng đã đóng góp lớn vào giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, cộng đồng dân cư.

Về môi trường

     Đánh giá về mức độ phát triển bền vững về môi trường qua tiêu chí môi trường bên trong CCN:

     Đánh giá theo hiện trạng đối với tiêu chí đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải và các công trình bảo vệ môi trường: Hiện tại hạ tầng kỹ thuật tại CCN Nam Hồng chưa đồng bộ, cụ thể hệ thống nước thải chưa được đầu tư, 6 dự án đi vào hoạt động tại CCN nhưng chưa có trạm xử lý nước thải nội bộ mà xả thải trực tiếp vào hệ thống chung. Hiện tại, CCN đang lên phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung của CCN theo đúng quy hoạch, còn các DN CCN xây dựng trạm xử lý nước thải nội bộ đạt tiêu chuẩn xả thải vào môi trường để góp phần vào sự PTBV của CCN trong giai đoạn tiếp theo. Đối với rác là chất thải rắn của các DN CCN được chính quyền hỗ trợ ký kết hợp đồng với công ty môi trường đô thị Hồng Lĩnh để vận chuyển và tập kết đến khu vực quy hoạch. Còn đối với các DN hoạt động tại CCN Nam Hồng cũng chưa gây ra những ô nhiễm về không khí và tiếng ồn.

     Đánh giá về mức độ PTBV CCN Nam Hồng với các tiêu chí tác động đến môi trường bên ngoài CCN: Trong quá trình phát triển CCN Nam Hồng, về cơ bản đất đai liền kề của CCN được chuyển sang đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ phục vụ CCN, những vấn đề về chất thải và xử lý chất thải của địa phương khi mật độ dân số cơ học tăng do người lao động trong và ngoài thị xã Hồng Lĩnh tập trung, do đó sẽ phát sinh những ảnh hưởng tới môi trường sống của cộng đồng dân cư liền kề CCN.

Một số hạn chế, tồn tạo rút ra về thực trạng phát triển bền vững cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

     Về kinh tế: Thứ nhất, việc tích hợp các phương án phát triển chuyên ngành, trong đó có phương án phát triển CCN vào quy hoạch tỉnh kéo dài, phải bổ sung, sửa đổi nhiều lần; bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh chậm được phê duyệt đã ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư. Chất lượng CCN Nam Hồng vẫn còn những vấn đề cần phải xem xét đến như: yếu tố hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào CCN chưa được đầu tư đồng bộ, hạn chế về khả năng liên kết các CCN trên địa bàn và toàn tỉnh, các tuyến giao thông có một số đang nằm trong quy hoạch. Thứ hai, CCN Nam Hồng là CCN do Nhà nước làm chủ đầu tư hạ tầng nên chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ do đó thu hút các dự án thứ cấp còn hạn chế. Thứ ba, hiệu quả tài chính và hiệu quả KT-XH tạo ra từ các dự án đã hoạt động trong CCN Nam Hồng mặc dù so với đa số các CCN trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh ở mức cao hơn song vẫn chưa tương xứng với mức độ sử dụng và khai thác nguồn lực. Thứ tư, năng lực của một số DN/chủ đầu tư có quy mô đầu tư không lớn, công nghệ trung bình, năng lực tổ chức và điều hành hoạt động kinh doanh hạn chế dẫn đến có các dự án hoạt động cầm chừng, không tạo ra được các tác động tích cực phát triển CCN. Thứ năm, công nghệ của đa phần các DN đang hoạt động trong CCN Nam Hồng còn hạn chế, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại CCN và xung quanh CCN. Tỷ lệ xuất khẩu, năng lực sản xuất và tiêu thụ nội địa chưa cao nên chưa đóng góp nhiều vào ngân sách địa phương của thị xã.

Về xã hội: Thứ nhất, các DN trong CCN chưa tạo được đủ việc làm cho lao động địa phương, các DN nhỏ và vừa nhiều, nhu cầu lao động không nhiều, sản xuất kinh doanh còn cầm chừng, chỉ có số ít DN lớn có nhu cầu lao động cao, mức thu nhập trung bình của người lao động chưa cao. Thứ hai, một số DN trong CCN vẫn chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội trong quá trình đầu tư sản xuất kinh doanh nên đã phát sinh những tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động về chế độ tiền lương, làm thêm giờ, làm tăng ca, các phúc lợi xã hội khác... Thứ ba, lực lượng lao động tại CCN chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về chất lượng lao động nhất là với công nhân tay nghề cao và quản lý giỏi. Hầu hết các DN chưa chú ý nhiều đến nhà ở cho công nhân cũng như chất lượng cuộc sống của người lao động mà phó thác cho xã hội và gia đình công nhân, lực lượng lao động làm việc tại CCN Nam Hồng phải tự thu xếp nơi sinh sống vì CCN Nam Hồng chưa có quy hoạch nhà ở cho công nhân trong CCN, nếu nơi sinh sống và các điều kiện sống của người lao động không đảm bảo sẽ có nguy cơ gây ra những bất ổn xã hội và mất trật tự an ninh xã hội.

Về môi trường: Thứ nhất, mặc dù đã có các quy hoạch về xây dựng các công trình bảo vệ môi trường song công tác xử lý nước thải, chất thải chưa được quan tâm đúng mức. Thứ hai, việc chấp hành pháp luật môi trường của các DN CCN Nam Hồng chưa cao, thường né tránh sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Các nguyên nhân của những hạn chế nêu trên đó là:

Thứ nhất, chất lượng quy hoạch của CCN còn có những vấn đề cần xem xét do năng lực quy hoạch - xây dựng còn hạn chế của đội ngũ công chức chưa có chuyên môn sâu trong lĩnh vực xây dựng quy hoạch, đồng thời do nguyên nhân chủ quan của cơ quan chuyên môn UBND tỉnh trong khâu thẩm định phê duyệt quy hoạch.

Thứ hai, hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển CCN còn có sự chồng chéo. Các thủ tục hành chính triển khai dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và dự án sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất là kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

Thứ ba, chưa xây dựng và ban hành được giá thuê đất cụ thể tại CCN, đơn giá thuê đất tại CCN còn khá cao so với thực tế tại một số tỉnh lân cận.

Thứ năm, năng lực đầu tư hạ tầng CCN về kinh nghiệm, tài chính, tổ chức quy hoạch và đầu tư còn hạn chế, trong khi đầu tư sản xuất công nghiệp yêu cầu vốn lớn, công nghệ tiên tiến gắn liền với nhiều rủi ro.

Thứ sáu, sự phối kết hợp giữa Sở công thương và các sở, ngành, UBND thị xã Hồng Lĩnh trong giải quyết và tham mưu các vấn đề xây dựng, quản lý và phát triển CCN Nam Hồng chưa đạt được hiệu quả cao về PTBV nhất là trong các vấn đề về xã hội, mối quan hệ lao động bên trong các DN CCN và các vấn đề về môi trường.

Thứ bảy, đội ngũ lãnh đạo, quản lý DN CCN còn bất cập về đội ngũ và năng lực, trình độ tổ chức quản lý, điều hành hoạt động tổ chức hoạt động kinh doanh nên kết quả và hiệu quả sử dụng các nguồn lực của DN CCN chưa cao.

Một số đề xuất giải pháp phát triển bền vững cụm công nghiệp Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

Một là, nâng cao năng lực bộ máy quản lý CCN Nam Hồng đồng bộ trên mọi giác độ như trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, trình độ luật pháp, quản lý hành chính, trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, ứng xử quốc tế, năng lực thẩm định quy hoạch...

Hai là, thực hiện nhóm giải pháp PTBV về kinh tế bao gồm: Rà soát, nâng cao quy hoạch CCN Nam Hồng mang tính tầm nhìn PTBV; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, đặc biệt giai đoạn thực hiện đầu tư trong CCN Nam Hồng; Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN CCN, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng, củng cố niềm tin cho các DN; Khuyến khích, hỗ trợ DN CCN tham gia đóng góp tích cực vào mục tiêu PTBV CCN Nam Hồng, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các vùng trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và trong tỉnh; Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN CCN nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đầu tư đổi mới công nghệ, tạo sức cạnh tranh cao cho sản phẩm của DN CCN; Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN CCN Nam Hồng đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu

Ba là, thực hiện nhóm giải pháp PTBV về xã hội: Hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để các DN trong CCN Nam Hồng tuyển dụng lao động tại địa phương thị xã và trong tỉnh; Tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các DN trong CCN Nam Hồng xây dựng và phát triển mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động; Hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện để các DN trong CCN Nam Hồng đào tạo lao động; hỗ trợ tốt các điều kiện sinh sống cho người lao động làm việc trong CCN.

Bốn là, thực hiện nhóm giải pháp PTBV về môi trường: Rà soát, hoàn thiện các quy định bảo vệ môi trường đối với CCN; Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống môi trường chung trong CCN; Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong và ngoài CCN của các DN CCN; Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN CCN Nam Hồng xây dựng các công trình nội bộ bảo vệ môi trường; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên việc chấp hành bảo vệ môi trường của các DN CCN đồng thời rà soát, điều chỉnh phù hợp các chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm pháp luật môi trường; Tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các DN CCN tích cực tham gia vào đầu tư sản xuất sạch hơn và thân thiện với môi trường.

Kết luận

Phát triển bền vững CCN Nam Hồng đóng một vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Yêu cầu PTBV CCN Nam Hồng đặt ra hiện nay đối với việc quản lý nhà nước cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ để phát triển CCN theo định hướng cân đối tất cả các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường.

File đính kèm:

Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm HTPTDN và XTĐT