Sáng nay (11/4), tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh. Đây là năm thứ 18 công bố chỉ số này.
Bảng xếp hạng PCI năm 2023 có sự khác biệt so với 17 lần công bố trước đây, khi chỉ đánh giá xếp hạng đối với 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất. Theo Nhóm nghiên cứu PCI, việc này nhằm khuyến khích sự tập trung và nỗ lực thay đổi của các địa phương để vào nhóm dẫn đầu PCI. Tuy nhiên, các địa phương đều có kết quả chi tiết, gồm cả điểm PCI tổng hợp, điểm các chỉ số thành phần và kết quả từng chỉ tiêu đánh giá.
Khảo sát PCI 2022 đã nhận được phản hồi của tổng cộng của gần 12.000 doanh nghiệp.
Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh dẫn đầu lần thứ 6 liên tiếp. Tiếp đó các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao trong bảng xếp hạng.
Lễ công bố Chỉ số PCI năm 2022
Năm nay, Hà Tĩnh có sự vươn lên ngoạn mục khi tăng 18 bậc, từ vị trí thứ 27 năm 2021 lên vị trí thứ 18; xếp thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, sau Thừa Thiên Huế.
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất PCI 2022
Điểm số PCI Hà Tĩnh ghi nhận sự tăng nhẹ 2,31 điểm (từ 64,87 lên 67,18). Trong đó có 04 chỉ số thành phần tặng điểm (Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý) và 06 chỉ số thành phần giảm điểm (Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp).
Trong báo cáo PCI năm 2022, lần đầu tiên, chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) được giới thiệu và công bố. Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Kết quả năm đầu tiên cho thấy, 3 tỉnh đứng đầu chỉ số PGI là: Trà Vinh, Lạng Sơn, và Bắc Ninh. Hà Tĩnh xếp thứ 23 với 15,14 điểm (tính theo thang điểm 40).
Như vậy, mặc dù tăng về điểm số và thứ hạng, PCI Hà Tĩnh vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện và cần được phân tích, đánh giá cụ thể để đưa ra các giải pháp cải cách trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, chỉ số PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động của chính quyền địa phương; Môi trường cạnh tranh bình đẳng; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp ý và an ninh trật tự.
File đính kèm:Ngô Bảo Ngọc