Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Ngày nay, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì chuyển đổi số là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing)... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp.
Chuyển đổi số không phải là một lựa chọn mà là điều tất yếu của một doanh nghiệp trong sự chuyển mình của toàn thế giới.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành, tối ưu hóa năng suất của nhân viên, giúp tiếp cận khách hàng một cách rộng rãi và dễ dàng hơn, giúp lãnh đạo ra quyết định và hoạch định chiến lược quản trị nhanh chóng, chính xác nhờ hệ thống báo cáo đầy đủ, kịp thời, khoa học… Từ đó giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thực trạng chuyển đổi số của các Doanh nghiệp Hà Tĩnh
Hà Tĩnh hiện có gần 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/doanh nghiệp, đạt 6,9 doanh nghiệp/1.000 dân, trong đó có 1.015 hợp tác xã và hơn 3.850 tổ hợp tác, trên 60.000 hộ kinh doanh. Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực nội dung, tài chính, thương mại điện tử, du lịch…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề như: Doanh nghiệp còn chưa hiểu thế nào là chuyển đổi số; khái niệm về chuyển đổi số còn quá mới mẻ và mơ hồ; Đa số doanh nghiệp trên địa bàn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguồn lực còn hạn chế, một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số còn có tâm lý sợ tốn chi phí, thiếu nguồn lực con người và lo ngại về tính an toàn, bảo mật thông tin; chuyển đổi nhiều khi còn mang tính hình thức, phong trào mà chưa thực sự hiệu quả, chưa có tính thực chất; vẫn chưa có một con số nào thống kê số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khai trương Hệ thống điều hành và giám sát thông minh, hiện thực hoá quá trình chuyển đổi số ở Hà Tĩnh
Giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công
Thường xuyên cập nhật những xu hướng mới
Để Chuyển đổi số đạt kết quả khả quan, các doanh nghiệp cần cập nhật những xu hướng công nghệ mới như: internet vạn vật (IoT), là một hệ thống các thiết bị tính toán có liên quan với nhau, như máy móc cơ khí, máy kĩ thuật số, đồ vật, động vật hoặc con người với khả năng thu thập và truyền tải dữ liệu qua mạng; dữ liệu lớn (Big Data), là một thuật ngữ cho việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được; máy học (Machine Learning), là một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) cung cấp cho các hệ thống khả năng tự động học hỏi và cải thiện từ kinh nghiệm mà không cần lập trình rõ ràng; Blockchain (Chuỗi khối), là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian.
Thay đổi tư duy
Chuyển đổi số muốn thành công thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Bởi, chuyển đổi số không đơn thuần là công nghệ mà còn là tư duy, phải làm sao cho lãnh đạo doanh nghiệp và nhân viên chủ động hơn khi thực hiện để tạo ra những giá trị.
Việc đầu tư máy móc thay thế sức lao động; tham gia thương mại điện tử mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng và đối tác gần xa hay đầu tư các phần mềm quản lý bài bản, khoa học… là chuyển đổi số. Và một khi chuyển đổi số theo hướng lấy con người là trung tâm, là chủ thể của quá trình hoạt động thì mọi quyết định về điều hành sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, là bước đột phá trong chuyển đổi của hoạt động kinh tế
Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực, để thúc đẩy chuyển đổi số trong Doanh nghiệp, điều cần thiết là người đứng đầu phải nhận thức một cách đầy đủ chứ không đơn thuần chỉ là công nghệ thông tin, đó là tư duy về công tác quản trị. Bởi chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, trước hết là với Doanh nghiệp.
Nguồn nhân lực
Chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực nội bộ có chuyên môn tốt để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số
Phát triển hạ tầng số và nền tảng số phục vụ kịp thời nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp
Về hạ tầng cần chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Các nội dung phát triển hạ tầng phải bảo đảm hiệu quả, phát triển các hạ tầng dùng chung, tránh đầu tư trùng lặp. Về nền tảng số, cần tập trung xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; xây dựng hệ thống thanh toán điện tử; xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây (Cloud); xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển các hệ thống này.
Hành động
Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 424/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh với đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải là trưởng ban. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện kế hoạch về phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 2.0; triển khai ứng dụng hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dùng chung cấp tỉnh, kết nối liên thông với nền tảng tích hợp và chia sẻ quốc gia; tuyên truyền về hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp…
Ngày 10/11/2022 Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức họp phiên thứ nhất để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm (Ảnh Báo Hà Tĩnh)
Định hướng về chuyển đổi số đã có, vấn đề còn lại là triển khai hiệu quả vào các hoạt động thực tế, để những mục tiêu, lợi ích mà chuyển đổi số mang lại lan tỏa sâu trong tất cả lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời giúp cộng đồng doanh nghiệp tăng “sức đề kháng”, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiến gần hơn với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
File đính kèm:Đức Hoàng/XTĐT