10/11/2022
Hà Tĩnh đột phá chiến lược đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030

Hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có tổng chiều dài 13.314,61 km, trong đó: 9 tuyến Quốc lộ có chiều dài 737,65 km chiếm 5,54%; 10 tuyến tỉnh lộ có chiều dài 397,19km chiếm 2,98%, đường đô thị có 302,60km chiếm 2,27%, đường huyện có 947,95 km chiếm 7,12% và đường giao thông nông thôn là 10.929,76km chiếm 82,09%.

         

       Hà Tĩnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt để nâng cấp mạng lưới giao thông nhằm đáp ứng sự phát triển KT - XH.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%, hạ tầng các đô thị được đầu tư đồng bộ, hình thành các khu đô thị thông minh. Đạt chuẩn tỉnh nông thôn mới vào năm 2025. Hạ tầng giao vận tải thông suốt; hạ tầng thủy lợi, đê điều, hồ đập an toàn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, chủ động tiêu, thoát nước; đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt; hệ thống thông tin liên lạc, internet và thiết bị đầu cuối hiện đại; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đường bộ: Quy hoạch 08 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 343km. Các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã thực hiện theo quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng huyện và liên huyện. Xây dựng mới tuyến đường cao tốc Hà Tĩnh - Quảng Bình (Bãi Vọt - Vũng Áng - Bùng) thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tiếp tục nâng cấp tuyến tránh quốc lộ 1, đạt tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng; xây dựng, mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang từ 2 lên 4 làn xe

Bến xe: Quy hoạch 14 bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố.

Đường thủy: Ngoài 03 tuyến đường thủy do Trung ương quản lý với tổng chiều dài 167,5km (Sông La – Ngàn Sâu; sông Rào Cái – Gia Hội; Sông Nghèn), quy hoạch 08 tuyến đường thủy địa phương quan lý với tổng chiều 145,5km. Phát triển các bến thủy đường sông theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cảng Vũng Áng: Đảm bảo năng lực nhận tàu chở hàng tải trọng đến 50.000 DWT, với chức năng là khu bến tổng hợp, công-ten-nơ, có bến chuyên dùng. Năng lực thông qua dự kiến khoảng 18,5 triệu tấn/năm vào năm 2020, khoảng 29,7 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Cụm cảng Sơn Dương: Là khu bến chuyên dùng có bến tổng hợp, có thể đáp ứng cho tàu trọng tải đến 300.000 tấn. Bố trí cảng trung chuyển than cho tàu 100.000 đến 200.000 tấn, phục vụ các trung tâm nhiệt điện. Năng lực thông qua cảng Sơn Dương dự kiến đạt khoảng 63 triệu tấn/năm vào năm 2020 và đạt khoảng 108 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Đường sắt: Thống nhất với Bộ Giao thông vận tải khi nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng nối cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương với tuyến đường sắt Bắc Nam, đồng thời nối với Thà Khẹk (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và là một bộ phận của tuyến đường sắt Xuyên Á.

Trung tâm logistics: Xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương là trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, trung tâm logistics tại Vũng Áng công suất khoảng 16,3 triệu tấn/năm. Khi trung tâm logistics tại Vũng Áng bão hòa công suất thiết kế, tiếp tục xây dựng trung tâm logistics tại Sơn Dương công suất khoảng 22,5 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và phát triển Thành phố Hà Tĩnh có quy mô phù hợp, hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh phấn đấu trở thành một trong những đô thị trung tâm của Vùng Bắc Trung Bộ.

Hà Tĩnh xác định phát triển KKT Vũng Áng là động lực, là trọng điểm. Hà Tĩnh cũng xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, chú trọng hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế, không gian đô thị của tỉnh với các vùng, miền trong nước, với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là một trong những khâu đột phá.

File đính kèm:

Hoàng Thị Hiền/XTDT